Fintech Việt Nam: Cạnh tranh cao, nhưng vẫn còn nhiều dư địa phát triển!
Ngày 9/12, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn xây dựng thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức.
Cụ thể, năm 2017, cả nước chỉ có khoảng 74 doanh nghiệp fintech trên thị trường thì đến cuối năm 2019, con số này đã tăng gấp đôi, đạt gần 140 doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp fintech cũng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, bao gồm: thanh toán điện tử, tài chính cá nhân, công nghệ bảo hiểm... Đặc biệt, thanh toán là lĩnh vực được doanh nghiệp fintech tập trung vào nhiều nhất, chiếm 47% số doanh nghiệp và 98% số vốn đầu tư vào fintech Việt Nam năm 2019.
"Song, ngành fintech Việt Nam hiện vẫn chưa thể so với các quốc gia ASEAN khác", ông Lực nhấn mạnh. Điền hình như đến cuối năm 2019, Singapore có 1.157 doanh nghiệp fintech, Indonesia có 511 doanh nghiệp; Malaysia có 376 doanh nghiệp, Thái Lan có 216 doanh nghiệp...
Liên quan đến tiềm năng phát triển fintech tại Việt Nam, TS. Lực khẳng định thị trường nội địa vẫn lớn, còn nhiều dư địa phát triển, dân số Việt Nam tương đối trẻ cũng như tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao là những lợi thế trong lĩnh vực này của Việt Nam.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá (dự báo tăng trưởng đạt 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2030), thu nhập bình quân đầu người tăng 6%/năm, thương mại điện tử tăng nhanh khoảng 25-30% trong 5 năm tới. Ngoài ra, Việt Nam còn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi năm 2019, Việt Nam xếp thứ hai trong thu hút đầu tư fintech tại ASEAN, sau Singapore.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, sự phát triển fintech tại Việt Nam cũng đứng trước không ít những rủi ro, thách thức. Đầu tiên, cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; quy định cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) về hoạt động fintech chưa được ban hành; các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung còn thiếu; cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu mới manh nha...
Liên quan đến vấn đề dữ liệu, ông Lực cho hay, Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, dữ liệu về doanh nghiệp còn phân tán, thiếu cập nhật, thiếu nhất quán và đồng bộ.
Đáng chú ý, vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng, rủi ro an ninh mạng ở mức cao, tinh vi khó kiểm soát hơn, đặc biệt là các rủi ro trong vấn đề về rửa tiền, tài trợ khủng bố, an ninh an toàn bảo mật dữ liệu, tấn công của hacker...
Theo đó, các chuyên gia tại diễn đàn kết luận, trước tiên cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động fintech theo cơ chế sandbox. Thêm vào đó, ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người dùng, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.
Theo Cafef.vn