Sẽ bán điện thoại thông minh giá từ 600.000 đồng để hỗ trợ chuyển đổi số
Để thúc đẩy chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đang chỉ đạo để các khu vực này phải có sóng 3G, 4G, 5G để người dân có thể truy cập internet.
Sáng nay (9/11), Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết của nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV (diễn ra trong các ngày 6, 9 và 10/11), nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội thời gian qua. Đại biểu chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của thành viên Chính phủ nào, người đứng đầu trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về vấn đề chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong đề án chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, chuyển đổi số vùng sâu, vùng xa được ưu tiên.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn thì càng phát huy hiệu quả. Do đó, chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó. Về hạ tầng, ông cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phải phủ sóng 3G, 4G tại các vùng sâu, vùng xa để có thể truy cập Internet. Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm Mobile money, qua đó người dân vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán điện tử.
"Bà con những khu vực này gặp khó khăn là không có điện thoại thông minh. Hiện nay đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ, bán điện thoại thông minh giá từ 600 - 700.000 đồng", Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết chuyển đổi số cũng sẽ ứng dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa, mở các sàn giao dịch thương mại điện tử… Bộ cũng đã triển khai thí điểm một số xã thông minh. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ tổng kết các chương trình thí điểm để nhân rộng.
Trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng và bảo vệ trẻ em trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong tháng 4, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Khi đó, Chính phủ đã đồng ý về mặt nội dung, nhưng đề nghị Bộ cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành.
Ông cho biết ngay trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành. "Chắc chắn trong năm 2020, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ký", ông nói.
Bộ quy tắc đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong đó có quyền trẻ em. Người dùng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải hướng dẫn trẻ em và trẻ vị thành niên dùng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng được lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử. Trong đó, Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp