Facebook trở thành kênh mua sắm số 1 ở nông thôn: Các doanh nghiệp cần làm gì?
Theo báo cáo mới nhất của Kantar Worldpanel, lượng người tiêu dùng ở nông thôn và ngoại thành đang chiếm tới 63% dân số, hơn 60% GDP của Việt Nam. Đây là địa bàn tiềm năng với sức mua được dự đoán sẽ tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Sự tăng trưởng vượt trội về số lượng người sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ và internet
Dưới tác động của thời kỳ 4.0 và đại dịch COVID 19, lượng người tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam sử dụng internet đã tăng đến 91%, cao hơn rất nhiều so với các loại hình media truyền thông (đơn cử là truyền hình).
Có đến 97% người dùng sử dụng Facebook thường xuyên bằng điện thoại thông minh.
Tỷ lệ khách hàng mua sắm trực tuyến cũng tăng lên 46% trong năm qua, chủ yếu các hoạt động như: Chat với cửa hàng, mua sắm trên live stream, tìm kiếm sản phẩm, review sản phẩm. Có thể nói, Facebook đang ở ngôi vương, trở thành kênh mua sắm số 1 ở nông thôn Việt Nam, vượt xa hàng loạt sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Tiki,...
Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt
Khi lượng người dùng mới ở các khu vực thành phố lớn đang cạn kiệt thì việc thu hút người dùng ở các khu vực nông thôn, ngoại thành trở thành chiến lược mới của doanh nghiệp (theo ông Khôi Lê - Giám đốc kinh doanh của Facebook tại thị trường Việt Nam).
Xu hướng O2O - từ offline đến online đang được các doanh nghiệp chú trọng. Việc kết hợp các kênh truyền thống và kênh truyền thông trực tiếp giúp nhãn hàng mở rộng địa bàn tiếp cận, chạm đến tệp khách hàng ở mọi nơi với sức mua tiềm năng.
Một ví dụ thành công thực tế của công ty Nestle - Maggi đã sử dụng kết hợp các kênh truyền thống lẫn digital để marketing tại khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam như: Sử dụng Tivi, OOH, quảng cáo trên Facebook, Youtube,... Trong chiến dịch này, kênh Facebook đã đóng góp 32% vào độ tăng của thương hiệu, lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ ngân sách trên kênh này.
Đứng trước cơ hội trên, doanh nghiệp nên chú trọng việc xuất hiện trên các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời áp dụng đa dạng hình thức thu hút khách hàng như xây dựng Fanpage, livestream, video clip, kết hợp với người nổi tiếng,... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào các kênh giao tiếp với khách hàng như tin nhắn messenger trên Facebook/Website/Zalo bằng chatbot, Email marketing hoặc quảng cáo qua SMS.
Với truyền thông Facebook, doanh nghiệp cần đẩy mạnh nhận diện thương hiệu thông các các chiến lược quảng cáo thường xuyên, duy trì sự hiện diện trong tâm trí người dùng, kết hợp đa dạng hình thức quảng cáo được Facebook cung cấp.
Theo Nhịp cầu đầu tư