Các xu hướng thương mại điện tử cơ bản: Từ Facebook Shops đến Chatbots
Các xu hướng trong ngành Thương mại điện tử đang dần có được sự chú ý khi mà các thương hiệu khám phá ra sự giao thoa giữa bán lẻ và công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu, Thương mại điện tử lại một lần nữa vượt lên dẫn trước, minh chứng là sự tăng tốc phát triển của nó trong những tháng gần đây. Giờ đây, bạn có thể mua sắm từ trình duyệt, trực tiếp trên mạng xã hội cũng như với công nghệ giọng nói và thực tế tăng cường (AR).
Cùng với những gợi ý mới như Facebook Shops, một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang dẫn đầu cách thức đóng gói bền vững và giao hàng thực phẩm bằng máy bay không người lái và robot. Việc đón đầu làn sóng phát triển Thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng chứ không chỉ đơn thuần là điều cần thiết để các doanh nghiệp tồn tại.
Từ việc tìm hiểu phương thức thương mại bằng giọng nói đến các kiến thức cơ bản về chuyển đổi và cá nhân hóa, chúng tôi đã tổng hợp các xu hướng Thương mại điện tử nổi bật trong năm 2020
Cửa hàng trực tuyến trên Facebook và Instagram
Vào tháng 5, Facebook đã công bố những bước tiến mới nhất của mình trong thế giới của thương mại điện tử với Facebook Shops và Instagram Shops. Về cơ bản, đây là phiên bản đơn giản hóa của một cửa hàng trực tuyến chạy qua các ứng dụng Facebook và Instagram.
Ưu điểm của các ứng dụng này là đã được tối ưu hóa cho mọi nền tảng và mọi thiết bị - bạn chỉ cần tùy chỉnh (màu sắc, bố cục,...) phần “cửa hàng” dành riêng trên trang Facebook hoặc hồ sơ Instagram của bạn và khách hàng sẽ có thể duyệt, lưu, chia sẻ và mua. Động thái lớn này được cho là sẽ giúp các nhà bán lẻ nhỏ đối mặt với những thách thức của Covid-19. Hiện nay, Facebook Shop đã được triển khai trên toàn thế giới, tuy nhiên Instagram Shops mới chỉ được triển khai tại Mỹ và sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới trong thời gian tới.
Offline to Online
Vào thời điểm đầu năm 2020, chúng ta bắt đầu thấy được sự thay đổi khi các thương hiệu truyền thông online cũng dần chuyển sang offline bằng cách tạo pop-ups quảng cáo, hợp tác với các đối tác khác, ra mắt các bộ sưu tập giới hạn và tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên thời gian gần đây đã chứng kiến làn sóng thay đổi xu hướng mạnh mẽ sang online trong cộng đồng. Ngoài ra, các thương hiệu truyền thống chỉ sử dụng phương thức offline đã nắm bắt cơ hội này - họ đã nhanh chóng mở rộng và cải thiện các cửa hàng online của họ để chứng minh doanh nghiệp của họ trong tương lai.
Gã khổng lồ thương mại điện tử đa quốc gia Shopify gần đây đã cam kết chuyển hướng đầu tư để giúp các nhà cung cấp của mình vượt qua thời gian cách ly xã hội thông qua hình thức bán hàng online. Với sự gia tăng về lượt đăng kí và có nhiều người tham gia vào nền tảng này, tăng trưởng doanh thu của công ty đã bùng nổ ngay trong quý đầu tiên của năm 2020. Công ty đã chuyển hướng đầu tư khỏi tiếp thị thương hiệu và cải thiện các kênh bán hàng, thực hiện các hoạt động nhằm giúp tinh gọn và điều hướng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Không chỉ đơn giản là tạo ra giao dịch online một cách dễ dàng, các thương hiệu đang tìm cách phát trực tiếp các sự kiện và truyền thông xã hội để lấp đầy khoảng trống của kết nối thương hiệu trực tiếp.
Nội dung video thúc đẩy chuyển đổi
Hầu hết chúng ta đều xem xét các bài đánh giá trước khi mua hàng và ngày càng xem xét cụ thể các video đánh giá sản phẩm trước khi mua. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy 62% khách hàng xem video đánh giá sản phẩm trước khi mua hàng và 84% đã bị thuyết phục mua sản phẩm hoặc dịch vụ sau khi xem video của thương hiệu.
Vì sao video có thể làm được như vậy? Đơn giản vì video là một công cụ hấp dẫn và dễ hiểu để trả lời những câu hỏi, giải thích hoặc giới thiệu sản phẩm.
Nhiều nhà tiếp thị cũng nói rằng video là dạng nội dung hiệu quả nhất mà họ từng sản xuất khi xét về mặt tăng chuyển đổi, tăng lưu lượng truy cập mà không phải trả phí và có mức độ tương tác tích cực cao - tuy nhiên, chúng cũng là phần nội dung khó nhất để đi đúng hướng.
Công nghệ và Thương mại điện tử
Không có gì ngạc nhiên khi vào năm 2020, chúng ta đang được chứng kiến những khả năng tốt hơn, sản phẩm thông minh hơn và trải nghiệm khách hàng luôn được cải thiện. Một số công nghệ có thể kể đến đó là:
Thương mại bằng giọng nói
Đã có những dự đoán về những điều mà công nghệ giọng nói sẽ làm được trong năm tới. Loup Ventures gần đây đã công bố số liệu ước tính 28% hộ gia đình Mỹ sẽ có loa thông minh vào cuối năm 2018, và chiếm 75% vào năm 2025 - ước tính đạt 100 triệu hộ gia đình. Từ Google Home đến Amazon Echo đến Apple HomePod, mua sắm bằng giọng nói sẽ trở nên quan trọng và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của bạn.
Thực tế tăng cường (AR)
Thực tế tăng cường đã bắt đầu xâm nhập vào nhiều lĩnh vực tiếp thị và Thương mại điện tử chắc chắn sẽ không nằm ngoài bức tranh này. AR (và VR) cung cấp cho các nhà bán lẻ khả năng nâng cao trải nghiệm mua sắm ảo mà họ cung cấp và trong môi trường toàn cầu nơi các cửa hàng thực đang phải nhanh chóng điều chỉnh, có khả năng chúng ta sắp được chứng kiến các thương hiệu lớn trên thế giới biến điều này thành sự thực.
Trên thực tế, thương hiệu IKEA đã cho phép người dùng thử nghiệm đồ nội thất ảo trong không gian của khách hàng và các nhà bán lẻ siêu thị ở Anh đã thử nghiệm một chuyến tham quan cửa hàng ảo.
Giao hàng bằng máy bay không người lái và Giao hàng bằng robot
Tại Mỹ, DoorDash đã thử nghiệm robot để giao thức ăn cho khách hàng.
Cửa hàng tạp hóa và giao thực phẩm cũng được coi là những mặt hàng đầu tiên đến tay bạn thông qua thiết bị bay không người lái - tại Mobile, Alabama, tổ chức địa phương Buffalo Wild Wings gần đây đã công bố một chương trình giao hàng thử nghiệm đối với thực phẩm mang đi. Tuy nhiên, máy bay không người lái để giao vật tư ý tế và sách thư viện cho trẻ em đi học cũng đang được thảo luận.
Chatbots và Cá nhân hóa
Khi chatbot gặp trục trặc, chúng sẽ khiến bạn rất khó chịu - điều mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua. Tuy nhiên, chatbot và các dịch vụ được cá nhân hóa tự động đang trở nên ngày càng tốt hơn. Không chỉ đơn giản là thực hiện dịch vụ hỏi và trả lời, một số dịch vụ trò chuyện hoạt động tốt hơn bằng cách trực tiếp đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa.
Cá nhân hóa không phải là một khái niệm mới - về cơ bản nó có nghĩa là cung cấp những thứ không phải là một trải nghiệm tổng thể mà nó là duy nhất. Điều này có nghĩa là nó sẽ khai thác dữ liệu để nhắm đúng mục tiêu người mua hàng dựa trên hành vi duyệt web của họ hoặc bất kì chi tiết nào khác mà họ đã cung cấp thông qua các tương tác trước đây.
Bạn có thể thấy được sự cá nhân hóa này ngay từ các đề xuất sản phẩm của Amazon hoặc tùy chỉnh tài khoản của Spotify. Một trong những ví dụ ấn tượng hơn có thể thấy đó là ở nhà bán lẻ quần áo Very của Anh và chiến lược cá nhân hóa thời tiết của họ: dựa trên thời tiết ở khu vực địa phương của khách hàng, Very sẽ giới thiệu quần áo phù hợp với bạn.
Đa dạng và Hòa nhập
Tất cả các xu hướng trên của thương mại điện tử có thể vẫn cần kiểm chứng thêm, tuy nhiên đã đến lúc các nhãn hàng cần phải thay đổi cách tiếp cận và chiến lược marketing cho sản phẩm của họ một cách phù hợp.
Trong ngành công nghiệp làm đẹp nói riêng, vài năm gần đây đã chứng kiến những “sự liều lĩnh” trong một vài chiến dịch marketing nổi tiếng. Có thể kể đến thương hiệu mỹ phẩm Fenty Baeuty của Rihanna đã hưởng ứng phương pháp marketing toàn diện bằng cách làm nổi bật những người phụ nữ và những nền văn hóa chưa từng được đại diện trước đây trong giai đoạn ra mắt.
Girlfriend Collective là một ví dụ khác, họ biến đại diện của sự đa dạng trở thành quy tắc trong cách tiếp cận khách hàng của họ (song song với việc sản xuất sản phẩm có theo quy chuẩn đạo đức và sử dụng vật liệu tái chế)
Thương mại điện tử bền vững
Đây là một xu hướng bao gồm rất nhiều các xu hướng nhỏ hơn, tuy nhiên “tính bền vững” ảnh hưởng lên tất cả các ngành như một xu hướng, đặc tính và tiêu chuẩn. Trong thế giới của những công dân toàn cầu, cam kết của các nhãn hàng đối với các mục tiêu bền vững cần phải được xác thực và luôn duy trì.
Thương mại điện tử bền vững bao gồm tất cả các phần của quy trình, từ tạo sản phẩm đến phân phối. Điều này bắt đầu với những nguồn cung ứng cần có chuẩn mực đạo đức và tiếp theo là chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường (bao gồm mục tiêu không lãng phí và sử dụng 100% năng lượng tái tạo).
Nhu cầu nhiều hơn đối với ứng dụng di động
Theo một cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu gia tăng đối với cả ứng dụng di động và các công cụ liên quan. Lí do của điều này có thể là do các nhà bán hàng đã chuyển sang bán hàng và giao hàng trực tuyến, hay sự bùng nổ của phương tiện truyền thông ảo và những thay đổi trong ngành Thương mại điện tử nói chung.
Ví dụ như ở Anh, không ngạc nhiên khi các nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các ứng dụng liên lạc như Houseparty, WhatsApp, Skype và Teams trong vài tháng qua. Dù lí do là gì, ứng dụng dành cho thiết bị di dộng vẫn là kim chỉ nam để bán sản phẩm hoặc dịch vụ của các nhãn hàng.
Do đó, các công cụ phát triển để tạo ứng dụng chạy trên nhiều nền tảng - Android, IOS, Windows, Blackberry - đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nguồn: envato.com