CDP – Hiểu đúng, dùng tốt: Tất tần tật thông tin từ A - Z về CDP

LÊ PHÚ THẾ LÊ PHÚ THẾ
Chia sẻ bài viết

Một series giải ngố CDP dành cho người chưa từng khai phá hết tiềm năng data, nghe profile 360 còn tưởng đang làm hồ sơ xin việc.

CDP giúp bạn hiểu rõ “crush” chỉ cần tán là yêu

CDP là gì? Và tại sao cả làng Marketing hay gọi nhầm CRM là CDP?

Giả sử bạn đang thích một người và nghĩ rằng chỉ cần biết tên, số điện thoại, Zalo là hiểu rõ người đó. Sai lầm! 

Muốn hiểu crush, bạn cần biết rõ người ta thích gì, thường đi đâu, ai hay inbox, hay thả tim gì trên Facebook, thói quen ăn uống – tức là toàn bộ hành vi đa kênh. CDP chính là cái giúp bạn làm chuyện đó, ở cấp độ khách hàng.

CDP là hệ thống giúp doanh nghiệp gom hết mọi dữ liệu từ đủ mọi nơi – website, quảng cáo, Chatbot, App, cửa hàng rồi khéo léo ráp nối lại để tạo thành một hồ sơ duy nhất cho từng người.

Một bản hồ sơ 360 độ không chỉ ghi “chị My, sinh năm 1990, thích ăn healthy” mà còn biết: Chị từng click quảng cáo nào, đang dùng máy iPhone hay Android, hôm qua bỏ giỏ hàng món gì, và thường mở email vào lúc 22h15.

Đây là nơi bạn không chỉ biết khách hàng là ai, mà còn biết họ đang cảm thấy gì, có thể sẽ làm gì tiếp theo và nên được “tấn công” lúc nào để tăng xác suất dính thính. Nói vui thì CDP là ông bạn thân chuyên “theo dõi crush giúp bạn”, ghi sổ từng tương tác nhỏ nhất để đến ngày đẹp trời – bạn có thể ngỏ lời đúng lúc, đúng gu và… không bị ăn bơ.

Vậy tại sao cứ nhầm lẫn với CRM? Bởi vì nhiều người nghĩ: Lưu thông tin khách hàng là đủ. Có CRM rồi thì cần gì thêm? Nhưng đâu biết CRM chỉ là sổ địa chỉ cao cấp. Nó ghi lại ai đã mua, đã gọi, đã support. Nó không biết bạn – hay đúng hơn là khách – đã từng thấy bạn ngoài phố mấy lần, nhìn bạn lâu bao nhiêu giây, và có từng lướt qua bạn nhưng không bấm vào hay không.

DMP thì còn tệ hơn – nó chỉ nhớ “đâu đó có người mặc váy đỏ, tóc xoăn hay ghé qua website mình” – nhưng không biết họ là ai. Giống như lén thích một cô trong quán cafe mà không có tên, không có cách nào tiếp cận, không có cơ hội thứ hai.

CDP là người yêu lý tưởng: Đủ thân để hiểu bạn, đủ dữ liệu để chăm bạn tử tế, và đủ thông minh để không làm phiền lúc bạn chưa sẵn sàng. Trong kỷ nguyên cá nhân hóa, không ai muốn nhận một lời tỏ tình copy-paste gửi hàng loạt. CDP giúp bạn soạn riêng như một chàng thi sĩ làm thơ tặng nàng - thế là dính.

CDP không giúp bạn bán hàng nhanh hơn. Nó giúp bạn yêu khách hàng đúng cách hơn. Và trong một thế giới ngập tràn quảng cáo, yêu đúng người, đúng lúc vẫn là cách bền vững nhất để khách ở lại.

Tán gái mà không nhớ mặt, cũng như làm Marketing không có CDP

Thử tưởng tượng thế này:

Bạn đi ngang một cô gái xinh xắn trong quán cà phê, ánh mắt cô ấy lướt qua bạn khoảng 2 giây rưỡi. Bạn cười nhẹ, cô ấy không cười lại. Nhưng bạn thấy... có gì đó. Lần sau vô tình gặp lại ở sự kiện khác, bạn nhận ra “hình như đã thấy em đâu đó rồi” nhưng không nhớ tên, không nhớ hoàn cảnh, không biết có nên bắt chuyện không. Và bạn… bỏ qua.

Marketing đời thực cũng y như vậy. Khách hàng từng ghé website, từng xem sản phẩm, từng bỏ giỏ. Họ từng click một banner giữa đêm, từng đọc email "deal độc quyền", từng hỏi nhẹ “còn size M không ạ?” nhưng rồi im lặng. Bạn có thấy, nhưng không nhớ được gì. Không có hệ thống nào giúp bạn nối lại câu chuyện đang dở dang trong đầu bạn.

Thế là bạn bắt đầu lại từ đầu. Gửi một email hàng loạt. Gọi điện theo kiểu “anh/chị từng quan tâm đến sản phẩm bên em đúng không ạ?” Nghe quen hông? Đó là “mình tưởng đã từng gặp nhau nhưng hóa ra mình chẳng là gì trong nhau cả”.

Làm marketing mà không có CDP cũng y chang tán gái không nhớ mặt. Mỗi lần gặp lại là mỗi lần bắt chuyện lại từ đầu. Mỗi chiến dịch là một cuộc làm quen mới.

Và cái cảm giác “người dưng ngược lối” đó khiến khách hàng trôi đi lúc nào không hay.

CDP sinh ra để không có chuyện đó xảy ra. Nó nhớ từng lần khách lướt qua. Nó ghi lại mỗi lần khách nhìn bạn rồi quay đi. Nó kết nối mọi mảnh vụn rải rác từ web, email, ads, chatbot, app, cửa hàng... thành một chân dung trọn vẹn, để lần sau khi khách xuất hiện, bạn không cần chào hỏi lại, mà có thể nói ngay: “Lần trước bạn bỏ quên món giày size M nè, giờ có bản limited, bạn muốn thử luôn không?”

Tán gái không nhớ mặt thì chỉ mãi ế. Marketing không có CDP thì chỉ mãi chạy Ads mà chẳng ai nhớ bạn là ai. Khi bạn không nhớ khách hàng đã từng tương tác gì với mình, thì đừng trách họ không gắn bó.

Vì suy cho cùng, cái làm nên cảm xúc không phải là “bạn nói gì”, mà là “bạn có nhớ điều tôi đã từng làm không?”

Gửi quà đúng lúc, đúng gu, khách auto dính

Tán gái là một nghệ thuật và cái nghệ thuật quan trọng nhất không phải là tặng quà đắt tiền, mà là tặng đúng lúc. Cùng là một bó hoa, nếu đưa vào buổi sáng sau hôm cô ấy vừa bị sếp mắng tơi bời thì bạn thành thiên thần. Nhưng nếu tặng ngay khi cô đang ăn lẩu cùng bạn trai thì... auto ăn chửi.

Trong marketing cũng vậy. Quà thì ai chẳng thích. Nhưng cái cách bạn đưa quà mới là thứ quyết định "chốt đơn" hay “block luôn”.

Có một sự thật buồn cười mà ai làm marketing cũng từng gặp: Gửi email ưu đãi thì không ai mở. Chạy quảng cáo thì ai cũng lướt qua. Bắn chatbot thì bị rep đúng 1 từ: “Phiền.” Rồi tự hỏi: “Ủa khách hàng sao khó quá vậy?”

Không. Khách không khó. Bạn gửi sai lúc. Gửi sai người. Gửi sai gu. Bạn tặng trà sữa cho người ăn keto. Bạn bắn voucher kem chống nắng vào lúc người ta đang lướt tìm máy lạnh. Bạn nhắn tin “deal nóng” khi khách đang ngủ trưa. Tệ hơn, bạn gửi chương trình sinh nhật... cho một người đã hủy theo dõi từ năm ngoái.

Trong tình yêu, sai thời điểm là mất hết. Trong marketing, sai thời điểm là mất khách – mãi mãi.

CDP ở đây để cứu bạn khỏi những pha "quà tặng fail" đó. Nó giúp bạn biết khách đang ở đâu trong hành trình mới chớm tò mò, đang cân nhắc, hay sắp ra quyết định. Nó cho bạn biết ai vừa bỏ giỏ, ai thường mua thứ gì vào thứ 6 cuối tháng, ai hay mở email lúc 10h đêm trên iPhone. Và từ đó, bạn không cần spam khắp nơi, mà chỉ cần thì thầm đúng người.

Giống như thay vì rải thính khắp Facebook, bạn chỉ cần inbox nhẹ: “Anh biết hôm nay em cần ngọt ngào một chút, nên gửi em món này.”

Không cần nói nhiều. Đúng lúc. Đúng tâm trạng. Đúng kiểu người ta dễ xiêu lòng.

Marketing mà có CDP là vậy. Bạn không cần tấn công khách hàng. Bạn hấp dẫn đúng lúc, và họ tự tìm đến bạn.

Gửi quà thì ai cũng gửi được. Nhưng gửi đúng lúc – đúng gu – đúng thời điểm yếu lòng, đó là level của người hiểu khách – hay nói cách khác: người đã “học thuộc crush từ hành vi đến tâm lý”.

Mỗi phòng ban một gu: Ai dùng CDP cũng sướng

Giống như trong một nhóm bạn thân, mỗi đứa có một gu crush riêng: đứa thích người dịu dàng, đứa mê người cá tính, đứa lại chỉ thầm thương mấy anh/chị nhiều tiền, trầm tính, ngầu lòi. Nhưng có một điểm chung – ai cũng cần hiểu crush thật rõ mới dám “đánh” vô.

Ở doanh nghiệp cũng vậy. Một khách hàng  nhưng mỗi phòng ban nhìn khách qua một lăng kính khác nhau. Marketing thì hỏi: “Khách thích nội dung gì?” Sales hỏi: “Khách sẵn sàng chi bao nhiêu?” CSKH hỏi: “Khách dễ cáu ở khúc nào?” Còn Data/IT thì hỏi: “Khách này có nằm trong hệ thống chưa?”

Rồi ai cũng tự tìm câu trả lời riêng, từ các nguồn khác nhau, với mức độ chính xác như bói bài Tarot. Kết quả là:

  • Marketing gửi mail chưa kịp hấp dẫn thì Sales gọi điện như phá game.
  • Sales đang follow khách ngon thì CSKH vô nhắn tin kiểu hỏi thăm vô hồn.
  • Khách mua xong 3 lần rồi vẫn được quảng cáo mời “dùng thử miễn phí”.

Tình trạng này gọi là: Yêu cùng một người, ai cũng yêu thật lòng, nhưng mỗi người yêu theo kiểu… thiếu hiểu biết.

CDP sinh ra để chấm dứt mớ hỗn độn đó. Thay vì ai giữ data nấy, mỗi team ôm một bảng Excel, thì giờ đây – mọi dữ liệu hành vi, tương tác, lịch sử của khách được gom về một mối.

Một hồ sơ khách hàng 360 độ – ai cũng được quyền “đọc nhật ký”, nhưng đọc theo cách riêng, cho đúng vai trò của mình.

Marketing nhìn vào đó để gợi ý nội dung cá nhân hóa – ví dụ khách thường quan tâm tới sản phẩm nào, thích tone nào, hay click kiểu gì. Sales vào xem lịch sử tương tác, biết khách từng bỏ giỏ bao nhiêu lần, hay bị vướng ở bước thanh toán nào. CSKH thì thấy được khách thường complain gì, thích được hỗ trợ kênh nào, tốc độ phản hồi ra sao. IT thì cười mỉm vì không còn phải lo xử lý mấy vụ "khách ảo – dữ liệu lộn xộn".

CDP không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu khách. Nó giúp mọi phòng ban hiểu nhau hơn – vì cùng nhìn về một nguồn dữ liệu thống nhất, không cãi nhau vì “ai mới đúng”, không xung đột vì "sao team kia làm thế?".

Mỗi phòng ban một gu nhưng nếu cùng đọc một hồ sơ tình cảm tử tế, thì sẽ không tán nhầm người, không gửi nhầm quà, không nhắn nhầm lúc.

Tình yêu không đến từ việc ai nói hay hơn, mà từ việc ai hiểu hơn.

CDP không thay bạn tỏ tình. Nhưng nó chắc chắn giúp bạn nói đúng câu – với đúng người – vào đúng lúc mà họ đang cần được yêu.

Yêu lâu mới biết ai thật lòng: Dùng CDP phải có tâm - có tầm

CDP không phải công cụ màu nhiệm, càng không phải món đồ công nghệ chỉ cần “mua là có”, “gắn là chạy”. Nó giống một mối quan hệ nghiêm túc – mà muốn đi đường dài, thì phải có sự chuẩn bị, sự thấu hiểu và cam kết từ hai phía.

Nhiều doanh nghiệp mua CDP về như thể tậu một chiếc gương thần: soi phát là biết khách nghĩ gì, cần gì, chốt đơn ở đâu. Nhưng rồi họ vỡ mộng. Không phải vì CDP tệ, mà vì... họ chưa sẵn sàng để yêu ai đó tử tế.

  • Không có dữ liệu sạch, CDP cũng chỉ là đống bột chưa nhào.
  • Không có quy trình rõ ràng, dữ liệu gom về rồi cũng nằm đó chơi.
  • Không ai chịu khai thác, thì profile khách hàng dù đẹp mấy cũng là ảnh kỷ yếu chưa từng được ngắm.

Giống như việc có một người yêu siêu hiểu chuyện, siêu lắng nghe, siêu chịu khó ghi nhớ từng điều nhỏ nhặt về bạn – mà bạn thì mãi bận việc, bận KPI, bận chạy deadline – không bao giờ ngồi lại nhìn người ấy trong mắt.

CDP chỉ thực sự phát huy sức mạnh khi doanh nghiệp hiểu nó không phải là một “công cụ quảng cáo”, mà là một “trung tâm kết nối cảm xúc và dữ liệu” của toàn bộ hành trình khách hàng.

Muốn dùng CDP hiệu quả?

  • Phải có tâm – để quan tâm khách đủ sâu.
  • Phải có tầm – để thấy được dữ liệu là thứ tài sản chứ không phải con số.
  • Và quan trọng nhất – phải có niềm tin rằng: Trong thời đại mà ai cũng đang cố hét lên để bán được hàng, thì người biết lắng nghe và nhớ từng chi tiết về khách hàng – mới là người tạo được chỗ đứng bền vững trong lòng họ.

Tình yêu không bắt đầu bằng câu “Mình bán cái này nè, mua không?”. Nó bắt đầu từ một ánh mắt đã từng gặp, một sở thích đã từng để ý, một hành vi đã từng lặp đi lặp lại – và một người đủ tinh tế để nhìn thấy điều đó.

CDP là người ấy. Còn bạn – có sẵn sàng trở thành người xứng đáng để lắng nghe không?

Hashtags: CDP
Bài viết nổi bật
Chia sẻ bài viết