Chiến lược cấp công ty là gì? Đặc điểm, phân loại, vai trò và ví dụ điển hình

Thủy Nguyễn 01/05/2024

Chiến lược cấp công ty có vai trò quan trọng định hướng cho sự phát triển của từng doanh nghiệp. Để triển khai chiến lược này thành công buộc những người quản lý phải nắm rõ về các đặc điểm để đề xuất các giải pháp thực hiện quả. Trong bài viết dưới đây, Bizfly sẽ từng bước cung cấp thông tin về khái niệm, phân loại và nêu ví dụ điển hình để bạn nắm rõ hơn nhé! 

Hiểu chiến lược cấp công ty là gì?

Chiến lược cấp công ty là loại chiến lược được vạch ra nhằm hướng tới mục tiêu dài hạn, của toàn bộ doanh nghiệp. Đích đến cuối cùng của chiến lược này  là tăng khả năng phát triển bền vững và đem lại nguồn lợi nhuận lớn, tạo đà cho sự vững mạnh lâu dài của doanh nghiệp.

Hiểu chiến lược cấp công ty là gì?
Hiểu chiến lược cấp công ty là gì?

Đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chiến lược cấp công ty thường hướng đến việc tăng lợi nhuận. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, chiến lược sẽ thiên về việc giám sát hoạt động của các công ty con. hướng đến sự chuyển nhượng hoặc mở rộng thị trường. 

4 chiến lược cấp doanh nghiệp

Hiện nay có 4 chiến lược cấp doanh nghiệp cơ bản được triển khai gồm: 

Chiến lược ổn định

Chiến lược ổn định với xu hướng lựa chọn sự ổn định cho các doanh nghiệp trong một giai đoạn cụ thể khi nhận thấy việc thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn có khả năng gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ổn định không đồng nghĩa với việc đứng lại mọi thứ mà chỉ là giữ cho tốc độ vừa phải như hiện tại, không mạo hiểm với những quyết định mới. Chiến lược sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian để thăm dò thị trường, tối ưu sản phẩm hoặc nghiên cứu sản phẩm mới . 

Chiến lược mở rộng

Xu hướng chiến lược mở rộng sẽ  phù hợp với những doanh nghiệp hướng đến việc mở rộng lĩnh vực cạnh tranh, quy mô doanh nghiệp hoặc mở rộng đối tượng khách hàng. Khi đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và sản phẩm mới trước đó.  Chiến lược này có thể làm tăng sức ảnh hưởng và uy tín của doanh nghiệp trên thương trường nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ rủi ro. 

Chiến lược cắt giảm

Chiến lược cắt giảm cho phép doanh nghiệp thay đổi bằng một con đường khác để cải thiện hoạt động kinh doanh như chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc thay đổi thị trường tiếp cận. Mục tiêu chiến lược cấp công ty dạng này là quản lý hoặc giảm bớt các bộ phận kinh doanh không mang lại hiệu quả.

Chiến lược kết hợp

Chiến lược cấp công ty dưới dạng kết hợp là sự kết hợp giữa chiến lược cắt giảm một ngành không hiệu quả nào đó và việc mở rộng một ngành tiềm năng mà doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn có thể kết hợp cả ba kiểu chiến lược kể trên sao cho đáp ứng được mong muốn của mình. Tuy nhiên, sự kết hợp nào cũng đòi hỏi tính linh hoạt, hợp lý và có sự quản trị tốt mới đem lại hiệu quả.  

4 chiến lược cấp doanh nghiệp hiện nay
4 chiến lược cấp doanh nghiệp hiện nay

Đặc trưng của chiến lược cấp công ty

Tính phức tạp

Chiến lược cấp công ty thường mang tính phức tạp hơn do được áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp. Bởi trong chiến lược này sẽ bao gồm nhiều thành phần biến động và các chiến lược phụ của cấp kinh doanh và cấp chức năng.

Tính thích nghi

Doanh nghiệp muốn phản ứng nhanh, đáp ứng kịp với những nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng và sự phát triển của thị trường thì chiến lược cấp công ty phải có tính linh hoạt mới có thể giải quyết được các mong muốn trên.

Sự không chắc chắn

Các kế hoạch cấp công ty thường không có tính chắc chắn cao, bởi độ bao quát rộng, bao gồm các yếu tố chuyển động như sự thành công của từng bộ phận, sự cạnh tranh, thị trường hiện tại, nền kinh tế,...

Phạm vi tiếp cận rộng

Các chiến lược cấp công ty luôn có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động tích cực đến toàn bộ doanh nghiệp. Vì vậy, tất cả các bộ phận, phòng ban, giám đốc, quản lý và cả nhân viên đều phải tập trung thực hiện để đạt kết quả chiến lược tốt nhất. Chiến lược cấp công ty phải tập hợp được tất cả mọi người lại với nhau, đoàn kết vì mục tiêu chung của tổ chức.

Từ trên xuống

Các chiến lược cấp công ty luôn được triển khai từ các cấp cao nhất trong tổ chức xuống, gồm chủ sở hữu, hội đồng quản trị, giám đốc điều hành,...Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là chỉ có cấp trên mới đưa ra quyết định về chiến lược, mà nên có sự ​​đóng góp ý kiến của các thành viên khác trong tổ chức. 

Tính chất dài hạn

Chiến lược cấp công ty bắt buộc phải có tính chất dài hạn, nhà quản lý có thể đề ra chiến lược một cách nhanh chóng, nhưng tất yếu phải cần một khoảng thời gian dài để triển khai và hoàn thành.

Đặc trưng của chiến lược cấp công ty
Đặc trưng của chiến lược cấp công ty

Tầm quan trọng của chiến lược cấp công ty 

Vậy trong doanh nghiệp, chiến lược cấp công ty sẽ có vai trò như thế nào? 

Đưa ra quyết định đúng đắn

Chiến lược cấp công ty giúp  doanh nghiệp phân biệt được các nhu cầu, mục tiêu của tổ chức. Mặt khác, giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có một cách hợp lý để đạt được những mục tiêu này. Bằng cách xác định hệ thống giá trị chiến lược cấp công ty cũng đảm bảo quyền sở hữu và xác lập giá trị tổng thể của doanh nghiệp.

Tăng tính thích nghi cho doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh chắc sẽ  thay đổi liên tục vì vậy muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải xác định được chiến lược cấp công ty. Chiến lược này sẽ giúp cho các tổ chức điều chỉnh và thích nghi với mọi hoàn cảnh, phân tích các mục tiêu chiến lược liên quan đến các cơ hội hoặc thách thức hiện có trong thị trường kinh doanh.

Đưa ra định hướng chiến lược

Chiến lược cấp công ty giúp doanh nghiệp xác định phương hướng và mục đích rõ ràng cho tổ chức từ đó thúc đẩy nhân viên cảm nhận được sự rõ ràng và trách nhiệm, vai trò của mình để làm việc hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. 

Luôn có các phương án dự phòng

Chiến lược công ty sẽ giúp tổ chức có khả năng lên kế hoạch dự phòng phù hợp để triển khai bất cứ khi nào có nhu cầu. Hơn nữa, chiến lược này còn giúp công ty tránh được rủi ro hoặc tổn thất lớn hơn nếu có trở ngại trong kinh doanh.

Vai trò của chiến lược cấp công ty đối với doanh nghiệp
Vai trò của chiến lược cấp công ty đối với doanh nghiệp

Ví dụ điển hình về chiến lược cấp công ty

Để bạn dễ dàng hình dung hơn về chiến lược cấp công ty, dưới đây Bizfly sẽ đưa ra cho bạn 2 ví dụ minh họa như sau: 

Ví dụ về chiến lược cấp công ty
Ví dụ về chiến lược cấp công ty

Chiến lược cấp công ty của Vinamilk

Với tầm nhìn “trở thành biểu tượng niềm tin số 1 Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người, và đứng vào hàng ngũ 50 Công ty sữa hàng đầu thế giới” và sứ mệnh “Vinamilk cam kết cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng tốt nhất, chất lượng nhất bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”, chiến lược cấp công ty của Vinamilk được xác định như sau:

  • Về mục tiêu: “Tối đa hóa giá trị của cổ đông”
  • Về chiến lược phát triển kinh doanh: 
  • Mở rộng thị phần tại các thị trường đang sở hữu và thị trường mới
  • Phát triển toàn diện các danh mục sản phẩm sữa hướng tới lực lượng tiêu thụ rộng lớn đồng thời mở rộng thêm các sản phẩm giá trị cộng thêm tỷ suất lợi nhuận cao hơn
  • Xây dựng thương hiệu
  • Nâng cao cách quản lý hệ thống cung cấp
  • Phát triển nguồn nguyên liệu sữa tươi 

Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về chiến lược phát triển sản phẩm của Vinamilk

Chiến lược cấp công ty của Viettel

Viettel được mệnh danh là ông lớn của ngành viễn thông Việt Nam vì thế chiến lược cấp công ty của Viettel được xác định với những nội dung trọng tâm như sau: 

  • Về triết lý kinh doanh của Viettel: Tiên phong, đột phá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo để đưa ra các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới với chất lượng cao đi cùng giá cước phù hợp có thể đáp ứng nhu cầu, lựa chọn của khách hàng. Luôn  quan tâm,  lắng nghe vị khách hàng của mình.
  • Mục tiêu mà tập đoàn Viettel đặt ra: Trở thành doanh nghiệp chủ đạo và cải biến xã hội số tại Việt Nam
  • Chuyển dịch Viettel Telecom trở thành đơn vị viễn thông số, có dịch vụ và trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam; tiên phong về công nghệ 5G cùng hạ tầng tận dụng cơ hội phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ số, đưa tỷ trọng của doanh thu của đơn vị đạt được tương đương với các đối thủ cạnh tranh . 
  • Về phạm vi chiến lược:  tất cả các phân khúc thị trường mà Tập đoàn luôn hướng tới.
  • Hoạt động chiếc lược tập trung vào lĩnh vực  Nghiên cứu & phát triển; Kỹ thuật công nghệ; Quản trị nhân sự

Chiến lược cấp công ty rất cần thiết trong việc tối ưu hiệu quả của doanh nghiệp. Vì vậy, bạn cần phải nắm được đặc điểm và lựa chọn chiến lược phù hợp với tình hình thực tế của công ty mình để đưa ra quyết định xác đáng nhất bạn nhé!

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly