Đầu tư công là gì, tại sao lại đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay? Bizfly sẽ giải đáp cho các bạn những thắc mắc về đầu tư công một cách cụ thể và rõ nét nhất trong bài viết dưới đây!
Đầu tư công là gì?
Khái niệm về đầu tư công được quy định cụ thể trong Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 như sau: Đầu tư công là hoạt động đầu tư vào các chương trình, dự án và các đối tượng công dựa trên nguồn vốn của nhà nước.
Đầu tư công thường thường là việc thực hiện các dự án mang lại lợi ích công cộng như xây dựng, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện; cải thiện hệ thống xử lý nước thải, xử lý rác,...
Như vậy, đầu tư công chủ yếu được tài trợ từ nguồn vốn Nhà nước, ngoài ra có thể vay mượn, hợp tác với các tổ chức quốc tế khác nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đối tượng đầu tư công bao gồm những gì?
Trong Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 có quy định về Đối tượng đầu tư công gồm 6 đối tượng:
Thứ nhất là các chương trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thứ hai là các hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba là các hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, phúc lợi xã hội.
Thứ tư là các dự án theo phương thức đối tác công tư.
Thứ năm là công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Thứ sáu là cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Chính phủ.
Phân loại dự án đầu tư công
Dựa theo tính chất
Dựa vào tính chất, có 2 loại dự án đầu tư công:
Dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án cũ, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
Dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua, sửa chữa, nâng cấp trang máy móc, trang thiết bị và dự án khác.
Dựa theo quy mô và mức độ quan trọng của dự án
Theo tiêu chí này, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia bao gồm 3 nhóm: A, B, C theo các tiêu chí khác nhau.
Tiêu chí phân loại các dự án quan trọng quốc gia
Đối với dự án quan trọng quốc gia thoả mãn một trong các tiêu chí sau đây:
Số vốn đầu tư công từ khoảng 10.000 tỷ đồng trở lên;
Có khả năng ảnh hưởng lớn hoặc nghiêm trọng đến môi trường như:
- Nhà máy điện hạt nhân.
- Tham gia sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng như khu vực đất vườn quốc gia; các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, rừng phòng hộ đầu nguồn có quy mô 50 ha trở lên; các khu rừng phòng hộ nhằm các mục đích như chắn gió, cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường, trồng lúa nước từ hai vụ trở lên từ 500 ha trở lên; các khu quy định rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
Đối với miền núi, trường hợp di dân tái định cư từ khoảng 20.000 người trở lên và ở các vùng khác là từ 50.000 người trở lên.
Với các dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần có quyết định can thiệp của Quốc hội.
Tiêu chí phân loại các dự án thuộc nhóm A
Các dự án thuộc nhóm A được phân loại theo các tiêu chí như sau:
Thứ nhất , các dự án không phân biệt tổng mức đầu tư, bao gồm các dự án thuộc lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh; sản xuất chất độc hại, chất nổ; hạ tầng khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao;
Thứ hai, dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, thuộc các lĩnh vực như: Giao thông; công nghiệp điện; dầu khí; hoá chất;...
Thứ ba, các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên, đầu tư vào các lĩnh vực: Giao thông; các hoạt động thuỷ lợi như cấp thoát nước,...; kỹ thuật điện; thông tin, điện tử; hóa dược;...
Thứ tư, dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm, thủy sản; công nghiệp; hạ tầng đô thị;...
Cuối cùng là các dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên, đầu tư vào lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục; công nghệ thông tin; thể dục thể thao; quốc phòng, an ninh; du lịch;...
Tiêu chí phân loại các dự án nhóm B
Dựa vào các tiêu chí của nhóm A, các dự án nhóm B thuộc các lĩnh vực sau:
Lĩnh vực được quy định tại khoản 2 nhóm A, có tổng mức đầu tư từ 120 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng.
Lĩnh vực được quy định tại khoản 3 nhóm A, có tổng mức đầu tư từ 80 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng.
Lĩnh vực được quy định tại khoản 4 nhóm A, có tổng mức đầu tư từ 60 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực quy định tại khoản 5 nhóm A, có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng đến dưới 800 tỷ đồng.
Tiêu chí phân loại các dự án nhóm C
Các dự án nhóm C được phân loại thuộc các lĩnh vực sau:
Lĩnh vực tại khoản 2 nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 120 tỷ đồng.
Lĩnh vực tại khoản 3 nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 80 tỷ đồng.
Lĩnh vực tại khoản 4 nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 60 tỷ đồng.
Lĩnh vực tại khoản 5 nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng.
Đầu tư công có vai trò gì trong nền kinh tế?
Đầu tư công là một trong những động lực to lớn trong việc phát triển kinh tế - chính trị - xã hội tại Việt Nam, cụ thể:
Đầu tư công giúp đảm bảo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhờ đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội,...
Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua những dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng, công trình, kinh tế - xã hội.
Đầu tư công vào các lĩnh vực quốc phòng để cải thiện, bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực.
Nguyên tắc quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư công
Về nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật Đầu tư công 2019 quy định về 5 nguyên tắc như sau:
Nguyên tắc 1: Tuân thủ những quy định của pháp luật bao gồm việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Nguyên tắc 2: Đầu tư phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, quy hoạch liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyên tắc 3: Bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hay cá nhân liên quan đến vốn đầu tư công.
Nguyên tắc 4: Quản lý sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định; bảo đảm các tiêu chí tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Không để thất thoát, lãng phí, cần cân đối các nguồn lực.
Nguyên tắc 5: Công khai, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Các hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong đầu tư công?
Đầu tư công là một hoạt động đầu tư cấp Nhà nước do đó cần tuân thủ theo những quy định cụ thể của pháp luật. Trong đó, những hành vi bị cấm được nhắc đến theo Luật Đầu tư công 2019, điều 16 như sau:
Các dự án có chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, kế hoạch của quốc gia; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng theo quy định của pháp luật.
Đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định về chủ trương đầu tư.
Các dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quy định.
Tự ý điều chỉnh hoặc điều chỉnh trái với quy định của pháp luật về tổng vốn đầu tư của chương trình, dự án.
Trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, tham nhũng, đưa, nhận hay môi giới hối lộ.
Thông đồng với các tổ chức khác đầu tư vào các chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của cá nhân và cộng đồng.
Khi chương trình, dự án chưa được phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư đã yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Làm giả, sai lệch thông tin, tài liệu liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư hay việc triển khai và thực hiện dự án.
Không trung thực, không khách quan trong việc báo cáo, cung cấp thông tin gây ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định và quyết định kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch.
Hủy hoại, che giấu hoặc lưu giữ những tài liệu, chứng từ sai trái, liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, kế hoạch triển khai, thực hiện.
Cản trở, che giấu việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.
Trên đây là tổng hợp những kiến thức cơ bản về đầu tư công. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về loại hình đầu tư này. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Ngừng lãng phí ngân sách quảng cáo Online với phần mềm CRM “Một nửa số tiền tôi dành cho quảng cáo không đem lại hiệu quả, nhưng vấn đề là tôi không biết nửa đó là nửa nào” – John Wanamaker – đã có lời giải cho cha đẻ của ngành quảng cáo hiện đại