Chi phí sản xuất là gì? Phân loại và công thức tính

Thủy Nguyễn 20/04/2024

Trong kinh doanh hiện nay, chi phí sản xuất là một yếu tố vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng tới sự thành bại của một doanh nghiệp. Để tìm hiểu thêm những thông tin về chi phí sản xuất, hãy cùng Bizfly theo dõi bài viết dưới đây!

Chi phí sản xuất là gì?

Chi phí sản xuất đề cập đến tất cả các chi phí cần thiết mà doanh nghiệp phải bỏ ra để sản xuất một sản phẩm hoặc cung ứng một dịch vụ cụ thể.

Chi phí sản xuất có thể bao gồm nhiều loại chi phí, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu, máy móc, nhân công, quản lý, vận hành hoạt động sản xuất,... 

* Lưu ý: Để đủ điều kiện được coi là chi phí sản xuất, chi phí phải có mối liên hệ trực tiếp với việc tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp.

Chi phí sản xuất nên được hiểu như thế nào?
Chi phí sản xuất nên được hiểu như thế nào?

Phân biệt chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm

Giá thành sản phẩm bao gồm cả những chi phí về lao động và các chi phí khác được sử dụng phục vụ mục đích sản xuất hoàn thành một khối lượng sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ.

Chi phí sản xuất chỉ là một mặt thể hiện về khía cạnh chi phí. Nhưng để đánh giá được hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cần phải xem xét chi phí sản xuất trong cả mối quan hệ với kết quả sản xuất thu được. Từ hai khía cạnh này, hình thành nên giá thành sản phẩm.

Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm đều có điểm chung là phản ánh chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra trong quá trình sản xuất. Điểm khác biệt giữa hai loại chi phí này nằm ở chỗ: 

  • Chi phí sản xuất là cơ sở hình thành nên giá thành sản phẩm.
  • Giá thành sản phẩm là thước đo để tính toán chí xác chi phí sản xuất phải chi ra để tạo thành sản phẩm.

Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm được thể hiện qua công thức:

Giá sản phẩm hoàn thành = CP SXKD dở dang đầu kỳ + Tổng CP SXKD phát sinh – CP SXKD dở dang cuối kỳ

Ví dụ:  

Một doanh nghiệp trong tháng 3 hoàn thành sản xuất được 2000 sản phẩm, trong đó các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình sản xuất như sau:

  • Tổng chi phí cho nguyên vật liệu trực tiếp: 500.000.000 đồng
  • Tổng chi phí thuê nhân công trực tiếp: 60.000.000 đồng
  • Tổng chi phí sản xuất chung: 100.000.000 đồng

Biết tổng chi phí sản xuất sản phẩm dở dang đầu kỳ và cuối kỳ của doanh nghiệp lần lượt là 150.000.000 đồng và 130.000.000 đồng. Tính giá thành một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp.

Trả lời:

=> Với số liệu trên, ta có thể tính tổng giá thành sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp = 150.000.000 + 500.000.000 + 60.000.000 + 100.000.000 - 130.000.000 = 680.000.000 đồng

=> Giá thành 1 đơn vị sản phẩm = 680.000.000/2000 = 340.000 đồng

Phân loại chi phí sản xuất

Dựa theo tính chất kinh tế của chi phí

Phân loại theo tính chất kinh tế, chi phí sản xuất được phân loại thành:

  • Chi phí nhân công
  • Chi phí nguyên vật liệu
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định
  • Chi phí dịch vụ thuê ngoài và chi phí khác
Chi phí sản xuất phân loại dựa trên tính chất kinh tế
Chi phí sản xuất phân loại dựa trên tính chất kinh tế

Dựa theo mục đích và công dụng của chi phí

Chi phí sản xuất dựa theo mục đích và công dụng được chia thành các loại như sau:

  • Chi phí sản xuất dùng trong nguyên vật liệu
  • Chi phí thuê và trả lương nhân công
  • Chi phí sản xuất chung: Chi phí khấu hao, chi phí nguyên vật liệu, lao động gián tiếp, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí công cụ sản xuất và chi phí khác.

Dựa theo khối lượng sản phẩm và công việc hoàn thành

Chi phí sản xuất dựa theo khối lượng sản phẩm và công việc trong kỳ được chia thành 2 loại:

  • Chi phí biến đổi (Variable costs): Là các khoản chi phí phụ thuộc vào các yếu tố thay đổi về quy mô sản xuất. Khoản tiền này thường ứng với các chi phí thay đổi liên tục trong doanh nghiệp như: Chi phí nguyên liệu, bao bì đóng gói, hoa hồng,...
  • Chi phí cố định (Fixed costs): Là loại chi phí không thay đổi theo mức sản xuất hoặc doanh thu của doanh nghiệp bao gồm: Tiền thuê nhà, tiền lương, khấu hao,...
Phân biệt chi phí cố định và chi phí biến đổi
Phân biệt chi phí cố định và chi phí biến đổi

Hình thức phân loại này giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định điểm hòa vốn; kiểm tra, điều chỉnh và tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; lựa chọn phương án đầu tư cho phù hợp.

Dựa theo quy trình công nghệ sản xuất, chế tạo sản phẩm

Dựa vào quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm, chi phí sản xuất được chia thành chi phí cơ bản và chi phí chung: 

  • Chi phí cơ bản: Chi phí nguyên liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp,... Đây là các khoản chi phí trực tiếp và cố định trong từng bước của quy trình sản xuất hoặc chế tạo.
  • Chi phí chung: Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí vận hành nhà xưởng,... Đây thường là các chi phí hỗ trợ, không phụ thuộc trực tiếp vào sản phẩm hoặc không thể phân chia cụ thể cho từng giai đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo.

Dựa theo phương pháp tập hợp chi phí vào các đối tượng chịu chi phí

Theo tiêu chí này, chi phí sản xuất được chia thành 2 loại:

  • Chi phí gián tiếp: Là chi phí phát sinh liên quan đến nhiều đối tượng mà không thể xác định được rõ ràng với một đối tượng cụ thể nào. Khi đó, kế toán thường phải phân chia chi phí gián tiếp cho từng đối tượng tương ứng bằng các phương pháp nghiệp vụ.
  • Chi phí trực tiếp: Là những khoản chi phí có thể được xác định rõ ràng và liên quan trực tiếp với từng đối tượng cụ thể. Việc quản lý và phân bổ chi phí trực tiếp thường dễ dàng hơn do có mối liên hệ rõ ràng với các đối tượng chịu chi phí tương ứng.

Công thức tính chi phí sản xuất 

Dưới đây là công thức cơ bản để tính chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp nói chung: 

Chi phí sản xuất = Chi phí nguyên vật liệu + Chi phí nhân công sản xuất + Chi phí thiết bị vật tư + Chi phí quản lý sản xuất + Chi phí khác

Trong đó: 

  • Chi phí nguyên liệu: Bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến việc mua và xử lý nguyên liệu. Chi phí nguyên liệu = (Số lượng nguyên liệu) x (Giá trị một đơn vị nguyên liệu )
  • Chi phí nhân công sản xuất: Bao gồm chi phí tiền lương và các chi phí lợi ích khác cho nhân viên (phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm ý tế,...)
  • Chi phí thiết bị vật tư: Bao gồm chi phí mua sắm, sử dụng, sửa chữa và bảo trì máy móc, thiết bị sản xuất. 
  • Chi phí quản lý sản xuất: Là những chi phí liên quan đến quản lý và điều hành quá trình sản xuất. Có thể bao gồm: chi phí văn phòng, chi phí tiền điện,...
  • Chi phí khác: Những chi phí khác không thuộc các danh mục trên, chẳng hạn như chi phí vận chuyển, chi phí marketing, chi phí R&D,...

Ví dụ: Một công ty sản xuất kê khai các số liệu liên quan đến chi phí sản xuất trong kỳ như sau: 

  • Số lượng nguyên vật liệu: 5.000, đơn giá 20.000 đồng
  • Tiền lương nhân viên đã bao gồm các khoản bảo hiểm, phụ cấp,...: 60.000.000 đồng
  • Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, máy móc trong kỳ: 12.000.000 đồng
  • Chi phí quản lý chung: 30.000.000 đồng

Tính tổng chi phí sản xuất trong kỳ của doanh nghiệp.

Trả lời: 

=> Tổng chi phí sản xuất trong kỳ = 5.000 x 20.000 + 60.000.000 + 12.000.000 + 30.000.000 = 202.000.000 đồng

Các cách tối ưu hóa chi phí sản xuất

Tối ưu hoá chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp
Tối ưu hoá chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp

Tối ưu quy trình sản xuất, phân phối

Chi phí sản xuất biến động phụ thuộc rất nhiều vào quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp nên có kế hoạch đánh giá và cải tiến quy trình sản xuất thường xuyên để giảm bớt hoặc loại bỏ những khâu không cần thiết, vừa giúp giảm thời gian, chi phí vừa tăng năng suất lao động.

Tìm nguồn cung cấp đầu vào giá rẻ

Tìm được nhà cung cấp uy tín, giá cả phù hợp trên thị trường là một lợi thế giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí nguyên vật liệu, chi phí xử lý nguyên vật liệu,...

Tối ưu chi phí quản lý

Tối thiểu hóa chi phí quản lý bằng cách sử dụng các phần mềm quản lý hiệu quả thay thế cho số lượng nhân viên quản lý, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí khác như chi phí kiểm soát chất lượng, kế hoạch sản xuất,... 

Tối ưu chi phí đào tạo

Lao động có chuyên môn vừa giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, vừa tiết kiệm, tối ưu chi phí tuyển chọn, đào tạo nhân công. Do đó, khâu quản lý nhân sự cần được lưu ý cho phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. 

Tối thiểu các chi phí khác

Các chi phí khác như chi phí vận chuyển, chi phí mặt bằng, lưu kho,... cũng cần được xem xét quản lý cho phù hợp để giảm thiểu chi phí sản xuất. Ví dụ, tối ưu chi phí lưu kho bằng cách tận dụng tối đa diện tích kho, giảm lượng hàng tồn, thực hiện bảo quản hàng hóa hiệu quả.

Tìm hiểu rõ các khoản chi phí trong quá trình hoạt động là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Trong bài viết trên Bizfly đã cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về chi phí sản xuất. Hy vọng sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc!

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly