Chi phí biến đổi là gì? Phân loại, công thức tính chi phí biến đổi và ví dụ

Nhật Lệ 20/04/2024

Chi phí biến đổi ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp. Vậy chi phí này là gì? Cách tính ra sao? Hãy cùng với Bizfly tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

Chi phí biến đổi là gì?

Chi phí biến đổi hay biến phí là những khoản chi phí thay đổi phụ thuộc vào thị trường hoặc bị ảnh hưởng bởi khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất ra. Có thể nói, biến phí thay đổi tỉ lệ với quy mô, sản lượng sản xuất.

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất 1000 sản phẩm và muốn sản xuất thêm 200 sản phẩm nữa thì chi phí biến đổi sẽ bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công thêm, chi phí điện nước,... và các chi phí khác để sản xuất thêm 200 sản phẩm.

Chi phí biến đổi ký hiệu là VC (Variable cost)

Đồ thị minh hoạ chi phí biến đổi phụ thuộc vào mức độ hoạt động
Đồ thị minh hoạ chi phí biến đổi phụ thuộc vào mức độ hoạt động

Các yếu tố tác động đến chi phí biến đổi

Một số yếu tố có thể tác động đến chi phí biến đổi bao gồm:

  • Mức độ, quy mô sản xuất là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chi phí biến đổi. Đây là một mối quan hệ tỷ lệ thuận, khi mức độ sản xuất tăng lên, biến phí cũng tăng theo và ngược lại.
  • Giá thành nguyên vật liệu cũng tác động đến chi phí biến đổi. Khi giá thành nguyên vật liệu tăng, chi phí biến đổi cũng tăng lên. Khi giá thành nguyên liệu giảm thì biến phí giảm theo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu,... của doanh nghiệp.
  • Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chi phí biến đổi theo nhiều cách khác nhau đó là lao động trực tiếp. Ví dụ, khi số lượng lao động cần thiết tăng lên để phục vụ cho việc sản xuất - kinh doanh, biến phí cũng tăng theo. Hoặc theo cách khác, chi phí biến đổi cũng sẽ biến động phụ thuộc vào mức lương nhân viên.
  • Chi phí vận chuyển nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, đơn vị vận chuyển hay loại sản phẩm,... Nếu chi phí vận chuyển tăng, biến phí cũng sẽ tăng và ngược lại.
  • Một số chi phí khác liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh như chi phí thuê mặt bằng, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí kho bãi,... cũng có thể ảnh hưởng đến sự biến động của biến phí.

Công thức tính chi phí biến đổi 

Chi phí biến đổi được tính dựa trên công thức sau đây:

Chi phí biến đổi = Tổng sản lượng đầu ra x Chi phí biến đổi trên một đơn vị đầu ra

Ví dụ: Chi phí biến đổi trên 1 đơn vị sản phẩm của một công ty là 200.000 đồng, tổng sản lượng mà công ty đạt được trong kỳ là 1.000 sản phẩm. Khi đó, chi phí biến đổi để sản xuất 1000 sản phẩm trong kỳ sẽ là: 200.000 x 1.000 = 200.000.000 đồng

Phân loại chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi tuyến tính

Chi phí biến đổi tuyến tính là chi phí tỉ lệ thuận với quy mô, mức độ hoạt động và sản lượng sản xuất. Thường bao gồm các chi phí nguyên vật liệu, nhân công trực tiếp,...

Đồ thị chi phí biến đổi tuyến tính 
Đồ thị chi phí biến đổi tuyến tính 

Ví dụ: Chi phí nguyên vật liệu làm ra một chiếc áo là 300.000 đồng. Khi số lượng áo được sản xuất ra tăng gấp đôi từ 1.000 lên 2.000 chiếc, tổng chi phí nguyên vật liệu cũng tăng lên tương ứng gấp đôi, từ 300.000.000 đồng lên 600.000.000 đồng.

Chi phí biến đổi cấp bậc

Đây là dạng chi phí biến động khi quy mô, mức độ hoạt động hay sản lượng sản xuất thay đổi đáng kể và rõ rệt. Nếu mức độ thay đổi nhỏ, không rõ ràng thì chi phí biến đổi không thay đổi.

Ví dụ: 1 công nhân chịu trách nhiệm quản lý, vận hành 3 máy cắt nhiên liệu với mức lương 6.000.000 đồng/tháng. Nếu doanh nghiệp mở rộng quy mô lên 4, 5 hay 6 máy cắt thì đều chỉ phải thuê 2 công nhân với mức tiền lương không đổi 12.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu mở rộng quy mô lên 7 máy cắt nhiên liệu, lúc này doanh nghiệp phải chi trả chi phí tiền lương của 3 công nhân, lên đến 18.000.000 đồng/tháng.

Đồ thị chi phí biến đổi cấp bậc
Đồ thị chi phí biến đổi cấp bậc

Chi phí biến đổi dạng cong 

Bên cạnh 2 dạng chi phí biến đổi trên, còn một loại chi phí không thể hiện quan hệ tuyến tính giữa chi phí biến đổi và sản lượng sản xuất được gọi là chi phí biến đổi dạng cong.

Đồ thị chi phí biến đổi dạng cong
Đồ thị chi phí biến đổi dạng cong

Ở đồ thị 1, cứ tăng dần một đơn vị sản lượng đầu ra thì lượng tăng của chi phí biến đổi lại giảm dần, hay chi phí tăng lên với tỷ lệ thấp hơn mức tăng trước đó.

Ngược lại, ở đồ thị 2, cứ tăng dần một đơn vị sản lượng đầu ra thì lượng tăng của chi phí biến đổi tăng dần, hay chi phí tăng lên với tỷ lệ cao hơn mức trước đó.

Phân biệt chi phí biến đổi và chi phí cố định

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt của 2 loại chi phí nằm ở hai từ “biến đổi” và “cố định”. Hai từ này đã phần nào nêu ra được bản chất của vấn đề. Dưới đây là những điểm khác biệt cơ bản bạn có thể tham khảo để phân biệt hai loại chi phí này: 

Chi phí biến đổi

Chi phí cố định

Thay đổi phụ thuộc sự thay đổi về quy mô, sản lượng sản xuất.

Không thay đổi theo mức độ hoạt động hay quy mô sản xuất, ổn định trong khoảng thời gian cụ thể.

Chi phí nguyên vật liệu, nhân công trực tiếp, chi phí bao bì đóng gói, vận chuyển, hoa hồng,... 

Tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, máy móc, bảo hiểm, khấu hao,...

Biến phí thay đổi không giới hạn, chỉ phát sinh khi doanh nghiệp hoạt động, doanh nghiệp ngừng kinh doanh thì biến phí bằng 0.

Định phí là khoản tiền xác định, không thay đổi trong thời gian dài, kể cả khi doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Chi phí biến đổi bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho.

Chi phí cố định không bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho.

 

Chi phí biến đổi có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?

Chi phí biến đổi có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, phân tích chi phí biến đổi rất quan trọng và có ý nghĩa như sau:

  • Khi chi phí biến đổi tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm khi giá bán không tăng theo tương ứng. Bằng việc phân tích chi phí biến đổi, doanh nghiệp sẽ nắm bắt tốt hơn các yếu tố đầu vào cho sản phẩm của mình, xác định được việc tăng hoặc giảm sản lượng có ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận.
  • Tối ưu chi phí biến đổi cũng là một cách tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với chi phí biến đổi thấp, doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình với giá thấp hơn, hấp dẫn khách hàng mục tiêu. Điều này có thể giúp tăng thị phần, doanh thu cho doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp sẽ có những biện pháp quản lý rủi ro tốt hơn nếu nắm rõ tác động của chi phí biến đổi. Việc phụ thuộc vào các sản phẩm, dịch vụ có chi phí biến đổi cao có thể khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro nếu nhu cầu hoặc sản xuất thay đổi.

Một số giải pháp quản lý chi phí biến đổi hiệu quả cho doanh nghiệp

Quản lý hiệu quả nhằm tối ưu biến phí là một nhiệm vụ cần thiết để doanh nghiệp phát triển thành công. Dưới đây là một số phương pháp quản lý hiệu quả mà doanh nghiệp có thể tham khảo:

  • Để quản lý hiệu quả biến phí, trước tiên doanh nghiệp cần xác định được chúng, từ đó đưa ra những biện pháp nỗ lực quản lý chi phí cho doanh nghiệp mình.
  • Thứ hai, doanh nghiệp nên đầu tư vào sản xuất linh hoạt, điều chỉnh mức hoạt động của mình hiệu quả để thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu hoặc biến phí. Để làm được điều này doanh nghiệp có thể tận dụng tự động hoá, công nghệ hay máy móc tiên tiến,...
  • Thứ ba, giá cả trên thị trường luôn biến động không ngừng, doanh nghiệp cần theo dõi, phân tích những biến động này để điều chỉnh biến phí cho phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
  • Cuối cùng, doanh  nghiệp cần lên sẵn kế hoạch và phân chia cụ thể biến phí hay chi phí chung thành những khoản riêng biệt cho những mục đích tương ứng để đơn giản hóa công việc quản lý.
Quản lý chi phí biến đổi giúp nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp
Quản lý chi phí biến đổi giúp nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

Trong bối cảnh thị trường và môi trường kinh doanh biến động không ngừng, chi phí biến đổi đóng một vai trò hết sức quan trọng, phần nào quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Với bài viết trên, Bizfly hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích. Cảm ơn bạn đã theo dõi.
 

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly