Mô hình Pestel là gì? Vai trò và quy trình phân tích mô hình trong doanh nghiệp

Đỗ Minh Đức 20/03/2024

Mô hình Pestel được xem như một chiến lược hữu ích giúp các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường kinh doanh dễ dàng và hiệu quả. Từ đó nắm được tình hình tăng trưởng hay suy thoái của thị trường và tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp. Đọc ngay bài viết dưới đây của Bizfly để nắm rõ về mô hình pestel là gì và quy trình phân tích của nó. 

Mô hình Pestel là gì? 

PESTEL là một công cụ phân tích được sử dụng để đánh giá các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tổ chức hoặc một ngành công nghiệp cụ thể. 

Mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh, định hình chiến lược dựa trên các yếu tố bên ngoài này. Qua đó, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các chiến lược, phát triển dịch vụ, sản phẩm, để đảm bảo tính bền vững trong môi trường kinh doanh đang biến đổi. Mô hình này gồm 6 yếu tố sau: 

- Chính trị (Political)

- Kinh tế (Economic)

- Xã hội (Social)

- Công nghệ (Technological)

- Môi trường (Environmental)

- Pháp lý (Legal)

PESTEL là một công cụ phân tích được sử dụng để đánh giá các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp

PESTEL là một công cụ phân tích được sử dụng để đánh giá các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Pestel có vai trò gì đối với doanh nghiệp?

Việc nắm bắt và hiểu rõ các vai trò của mô hình Pestel giúp doanh nghiệp có những chiến lược và quyết định đúng đắn trong kinh doanh.

  • Thay đổi để phát triển

Mô hình Pestel giúp doanh nghiệp nhận biết và đánh giá các yếu tố thay đổi trong môi trường kinh doanh. Từ đó định hình chiến lược và điều chỉnh để phát triển một cách hiệu quả trong môi trường thay đổi.

Ví dụ, công ty sản xuất ô tô nhận thấy xu hướng chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang ô tô điện đang gia tăng. Bằng cách sử dụng mô hình PESTEL, có thể đánh giá tác động của xu hướng này lên ngành công nghiệp ô tô và quyết định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ô tô điện để mở rộng thị phần và duy trì sự cạnh tranh.

  • Lên kế hoạch kinh doanh

Bằng cách đánh giá các yếu tố bên trên liên quan tới  doanh nghiệp, từ đó xác định các rủi ro và cơ hội trong môi trường kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp để tận dụng cơ hội và đối phó với các rủi ro kịp thời. 

Ví dụ, công ty về công nghệ đang xem xét mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Với mô hình PESTEL, công ty nhận thấy yếu tố chính trị như chính sách và quy định đối với công nghệ nước này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, họ cũng phát hiện ra rằng yếu tố kinh tế như tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân Trung Quốc cao và đang tạo ra cơ hội thị trường lớn. Dựa trên những thông tin này, công ty có thể đưa ra phương án xây dựng đội ngũ, phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và điều kiện của thị trường Trung Quốc.

Nắm rõ các vai trò của mô hình Pestel giúp doanh nghiệp có những chiến lược và quyết định đúng đắn trong kinh doanh

Nắm rõ các vai trò của mô hình Pestel giúp doanh nghiệp có những chiến lược và quyết định đúng đắn trong kinh doanh

Ưu, nhược điểm của mô hình Pestel

Mô hình Pestel có những ưu điểm nổi bật như cung cấp góc nhìn toàn diện về thị trường hay hỗ trợ nhiều cho chiến lược kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số nhược điểm cần được lưu ý. Dưới đây là chi tiết thông tin về ưu và nhược điểm của mô hình này:

Ưu điểm:

  • Góc nhìn toàn diện về thị trường

Pestel cung cấp một góc nhìn toàn diện về thị trường và môi trường kinh doanh. Bằng cách xem xét các 6 yếu tố chính trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường và pháp lý, mô hình Pestel giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tác động của môi trường đến hoạt động kinh doanh của mình.

  • Ứng dụng đa ngành

Mô hình Pestel có thể được áp dụng trong nhiều mô hình kinh doanh khác nhau từ doanh nghiệp nhỏ tới lớn. Doanh nghiệp từ các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, bán lẻ, tài chính, vận tải... có thể sử dụng mô hình này để phân tích và định hình chiến lược kinh doanh của mình.

  • Hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh

Bằng cách phân tích các yếu tố Pestel doanh nghiệp có thể nhận ra cơ hội và rủi ro trên thị trường. Từ đó xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với môi trường kinh doanh.

  • Khả năng ứng phó rủi ro tốt

Thông qua việc đánh giá các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp có thể thích ứng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định, bền vững của doanh nghiệp.

Mô hình Pestel có những ưu điểm nổi bật như cung cấp góc nhìn toàn diện về thị trường hay hỗ trợ nhiều cho chiến lược kinh doanh

Mô hình Pestel có những ưu điểm nổi bật như cung cấp góc nhìn toàn diện về thị trường hay hỗ trợ nhiều cho chiến lược kinh doanh

Hạn chế: 

  • Các yếu tố thiếu sự liên kết

Mô hình Pestel nghiên cứu, xem xét các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường và pháp lý một cách độc lập, không đánh giá sự tương quan giữa chúng, dẫn đến sự thiếu liên kết của các yếu tố này với nhau. Từ đó dẫn đến việc bỏ qua hoặc không nhận ra các tác động, ảnh hưởng giữa các yếu tố, gây thiếu sót trong việc phân tích và đánh giá môi trường kinh doanh.

  • Nhanh bị lỗi thời, số liệu không chuẩn

Mô hình Pestel dựa trên việc thu thập và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh thường thay đổi nhanh chóng và thông tin cũ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Số liệu sử dụng trong mô hình Pestel có thể không chuẩn do sự khác biệt trong cách thu thập và xử lý dữ liệu từ các nguồn khác nhau, dẫn đến sự không nhất quán và không đáng tin cậy trong phân tích.

  • Có thể bị ảnh hưởng từ các quan điểm chủ quan 

Mô hình phân tích PESTEL có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của các nhà quản lý và chuyên gia. Cách họ tập trung thu thập và đánh giá các yếu tố khác nhau dựa trên quan điểm cá nhân, điều này có thể dẫn đến việc đánh giá sai mức độ ảnh hưởng của các yếu tố. 

Quy trình phân tích mô hình Pestel 

Bước 1: Nắm rõ 6 yếu tố trong mô hình Pestel

Việc đầu tiên khi bắt đầu phân tích, bạn cần hiểu rõ về 6 yếu tố chính trong mô hình Pestel:

  • Chính trị (Political)

Là các yếu tố liên quan đến chính sách chính phủ, ổn định chính trị, và các quy định pháp lý. Ví dụ như một quyết định tăng thuế nhập khẩu của chính phủ có thể làm tăng giá thành và giảm lợi nhuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

  • Kinh tế (Economic)

Bao gồm các yếu tố kinh tế như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá hối đoái, và thất nghiệp.

Ví dụ, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, người tiêu dùng có thể giảm tiêu dùng hàng hóa xa xỉ, làm giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

  • Xã hội (Social)

Bao gồm các yếu tố xã hội như sự thay đổi dân số, quy mô và cấu trúc dân số, xu hướng văn hóa và phong cách sống, và quan điểm xã hội.

Ví dụ, khi ý thức về bảo vệ môi trường được nâng cao, có thể tạo ra nhu cầu cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời.

  • Công nghệ (Technological)

Bao gồm các yếu tố công nghệ như tiến bộ công nghệ, đổi mới, và tác động của công nghệ mới đối với các ngành và thị trường.

Ví dụ như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể làm thay đổi quá trình sản xuất và tạo ra cơ hội tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp.

  • Môi trường (Environmental)

Bao gồm các yếu tố môi trường như các vấn đề môi trường, bền vững, biến đổi khí hậu, và tác động của những yếu tố này đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

Ví dụ, các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt có thể đặt ra yêu cầu cao hơn về công nghệ và quy trình sản xuất cho các ngành công nghiệp như năng lượng và hóa chất.

  • Pháp lý (Legal)

Bao gồm các yếu tố pháp lý như luật pháp, quy định, và các khung pháp lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, các tiêu chuẩn ngành và yêu cầu tuân thủ.

Ví dụ như việc thay đổi quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện biện pháp bảo mật và đảm bảo sự riêng tư của khách hàng một cách nghiêm ngặt hơn.

Các bước trong quy trình phân tích mô hình Pestel

Các bước trong quy trình phân tích mô hình Pestel hiệu quả

Bước 2: Nghiên cứu và thu thập thông tin

Sau khi nắm vững các yếu tố trong mô hình PESTEL, cần nghiên cứu và thu thập thông tin liên quan đến các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường và pháp lý. 

Đây là bước giúp bạn hiểu rõ về môi trường hoạt động của doanh nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến nó, bạn cần tiến hành nghiên cứu và thu thập thông tin liên quan đến từng yếu tố và đảm bảo rằng thông tin thu thập được đáng tin cậy và phù hợp với mục tiêu phân tích. Các nguồn thông tin thường được thu thập để nghiên cứu tổng quan bao gồm: Báo cáo nghiên cứu, thống kê, các nguồn tin tức, tài liệu chính sách, bản tin ngành hay đối thủ cạnh tranh.

Bước 3: Đánh giá và xác định thứ tự ưu tiên

Sau khi thu thập thông tin, bạn cần đánh giá và phân tích tác động của mỗi yếu tố đến doanh nghiệp hoặc thị trường mục tiêu. 

Điều này có thể bao gồm việc đánh giá tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng và khả năng thay đổi của mỗi yếu tố. Dựa trên đánh giá này, bạn có thể xác định thứ tự ưu tiên để tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất.

Ví dụ, đối với ngành công nghệ, các yếu tố liên quan đến công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Internet of Things (IoT), VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường) thường được xem là ưu tiên hàng đầu. Nếu có xu hướng công nghệ mới đang thay đổi ngành công nghiệp, công ty cần đảm bảo rằng theo kịp xu hướng này và có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp.

Đánh giá và phân tích tác động của mỗi yếu tố đến doanh nghiệp hoặc thị trường mục tiêu

Đánh giá và phân tích tác động của mỗi yếu tố đến doanh nghiệp hoặc thị trường mục tiêu

Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích mô hình 

Bước cuối cùng, bạn cần tạo báo cáo về kết quả phân tích mô hình Pestel. Báo cáo này nên cung cấp một cái nhìn tổng quát về mỗi yếu tố và tác động của nó đến môi trường kinh doanh. Các báo cáo có thể bao gồm các phần sau:

- Tổng quan về mô hình Pestel và mục đích của phân tích.

- Mô tả chi tiết về từng yếu tố trong mô hình Pestel và những thông tin quan trọng liên quan đến mỗi yếu tố.

- Đánh giá tác động của mỗi yếu tố đến doanh nghiệp hoặc thị trường mục tiêu. Nêu rõ mức độ ảnh hưởng, khả năng thay đổi và tầm quan trọng của từng yếu tố.

- Xác định thứ tự ưu tiên của các yếu tố dựa trên đánh giá và phân tích.

- Đề xuất các biện pháp và chiến lược phù hợp để ứng phó với những tác động và thay đổi từ các yếu tố trong mô hình Pestel.

- Kết luận tổng quan và nhấn mạnh về tầm quan trọng của phân tích mô hình PESTEL trong việc định hình chiến lược kinh doanh và quyết định chiến lược.

Hy vọng với thông tin về vai trò, ưu nhược điểm và quy trình phân tích mô hình PESTEL mà Bizfly chia sẻ bên trên sẽ hữu ích cho bạn và doanh nghiệp trong quá trình lựa chọn và ứng dụng mô hình này vào doanh nghiệp của mình.

Quản lý bán hàng - Bứt tốc doanh thu nhờ BizShop - Phần mềm quản lý bán hàng Online
Lựa chọn hàng đầu của +3,500 Doanh nghiệp

Dùng thử ngay Tìm hiểu thêm

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly