Chiến lược giá là gì? Các loại chiến lược giá phổ biến trong marketing

Thủy Nguyễn 03/08/2021

Việc định giá sản phẩm trải qua nhiều công đoạn phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của các doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà kinh doanh cần phải xây dựng được cho mình một chiến lược giá hợp lý và hiệu quả để gia tăng khả năng cạnh tranh của mình.

Vậy, chiến lược giá là gì và các chiến lược giá nào đang phổ biến nhất trong Marketing hiện nay? Cùng Bizfly tìm hiểu trong bài viết sau.

Chiến lược giá là gì? 

Chiến lược giá (Pricing Strategy) là phương pháp được sử dụng để thiết lập, định hướng mức giá tốt nhất cho sản phẩm hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp, nhằm tối đa hóa lợi nhuận hay thậm chí là giá trị thương hiệu. Chiến lược giá sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể là mục tiêu doanh thu, khách hàng, mục tiêu tiếp thị, tính chất sản phẩm, định vị thương hiệu. Ngoài ra, nó còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như nhu cầu người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường chung. 

Mặc dù giá vốn hàng bán và đối thủ cạnh tranh là yếu tố quan trọng hình thành nên giá, nhưng không nên coi là trọng tâm của chiến lược giá. Hãy kết hợp tính toán, thực hiện điều chỉnh, xác định mức giá có khả năng chấp nhận rủi ro để sẵn sàng cung cấp tới người dùng. Và luôn lưu ý rằng chiến lược giá tốt nhất sẽ tối đa hóa lợi nhuận và doanh thu của bạn. 

Chiến lược giá là gì

Khái niệm Chiến lược giá là gì?

So sánh chiến lược giá và phương pháp định giá 

Khi nhắc đến khái niệm chiến lược giá, nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn nó với phương pháp định giá. Vì chúng đều cần nghiên cứu, điều chỉnh để xác định mức giá phù hợp với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bản chất và mục đích áp dụng lại hoàn toàn khác nhau. 

Tiêu chí so sánh Chiến lược giá Phương pháp định giá

Khái niệm

Là những phương pháp, cách thức sử dụng và điều chỉnh giá sản phẩm sao cho cân đối với doanh nghiệp, thị trường để đạt được mục tiêu doanh thu. Quá trình cân đối ước tính giá thành sản phẩm để phù hợp với mục tiêu cần đạt được.
Mục tiêu Mục tiêu chiến lược giá có thể là tăng doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc tối ưu Marketing. Xác định các mức giá tối ưu cho sản phẩm của doanh nghiệp và có khả năng ít bị điều chỉnh bởi tác động bên ngoài.
Tính chất Kéo dài trong một khoảng thời gian, đủ để doanh nghiệp thấy rõ hiệu quả từ chiến lược. Yêu cầu thời gian ngắn nhất có thể.
Yếu tố ảnh hưởng Chịu tác động từ những yếu tố bên ngoài: Khách hàng, biến đổi thị trường, thời điểm ra mắt sản phẩm,... Bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến chi phí sản xuất, giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, xu hướng tiêu dùng,...

Bảng so sánh chiến lược giá và phương pháp định giá

Các chiến lược giá được ứng dụng phổ biến hiện nay 

Trước khi thực hiện chiến lược giá cho doanh nghiệp bạn cần nắm rõ được một số những chiến lược phổ biến, mang lại hiệu quả phát triển nổi bật về doanh thu và Marketing hiện nay.

1. Chiến lược giá thâm nhập thị trường 

Chiến lược này được xem là phù hợp với những doanh nghiệp mới, đang mong muốn nhận được sự chú ý từ khách hàng hoặc doanh nghiệp có kế hoạch muốn thâm nhập vào một thị trường cạnh tranh nào đó. Bởi chiến lược này được xây dựng dựa trên nguyên tắc thiết lập giá cực thấp cho sản phẩm để cung cấp tới người dùng. 

Tuy nhiên, chiến lược giá thâm nhập sẽ không bền vững trong thời gian dài và thường được áp dụng trong một thời gian ngắn. Bạn cần dự tính tỷ lệ khách hàng ban đầu sẽ vẫn gắn bó với doanh nghiệp khi bạn điều chỉnh tăng giá sản phẩm để cân bằng doanh thu, hòa vốn. 
Khi xác định thực hiện chiến lực thâm nhập giá thị trường, bạn cần đảm bảo các điều kiện sau:

  • Thị trường nhạy cảm về giá (Thường bao gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: Bột giặt, nước rửa bát, xà phòng,...
  • Mức giá thấp có thể duy trì khả năng tăng trưởng và vị thế doanh nghiệp. 
  • Tăng quy mô sản xuất để giảm chi phí và phân phối cho mỗi đơn vị sản phẩm. 

Chiến lược giá thâp nhập thị trường của Unilever giúp Omo có khả năng cạnh tranh vững vàng

Chiến lược giá thâp nhập thị trường của Unilever giúp Omo có khả năng cạnh tranh vững vàng

Ví dụ: Chiến lược giá thâm nhập thị trường của Omo. Nhận thấy mức độ sử dụng sản phẩm người tiêu dùng nông thôn của Việt Nam bị hạn chế bởi thu nhập. Unilever Việt Nam đã quyết định thực hiện chiến lược giảm giá sản phẩm để phù hợp với phân khúc khách hàng này. Trong 5 năm đầu không thực hiện điều chỉnh giá, chiến lược áp dụng giá thấp đã giúp Omo khẳng định vị thế cạnh tranh với đối thủ và có được lượng người tin dùng nhất định. 

2. Chiến lược giá với sản phẩm đi kèm (Optional-product Pricing)

Việc đính kèm sản phẩm phụ vào sản phẩm chính với mục đích nâng cao trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy ý định mua bán với mức giá mới. Khi thiết lập chiến lược này, bạn cần đảm bảo rằng sở thích người tiêu dùng đối với sản phẩm đủ lớn, các sản phẩm được chọn để đi kèm có tác dụng cải thiện trải nghiệm khách hàng rõ rệt. 

Có 2 loại sản phẩm đi kèm:

  • Sản phẩm đi kèm bắt buộc: Sản phẩm chính cần có sản phẩm phụ mới có thể sử dụng.
  • Sản phẩm đi kèm tùy chọn: Sản phẩm không bắt buộc phải có, thường sẽ được áp dụng ưu đãi cho những sản phẩm này. 

Ví dụ: Cửa hàng văn phòng phẩm bán dập ghim lớn thường sẽ bán kèm hộp ghim dập hoặc khi bạn mua bồn tắm cho bé, cửa hàng sẽ cung cấp cho bạn nhiệt kế đo nhiệt độ nước với giá rẻ hơn khi mua lẻ. 

3. Chiến lược giá hớt váng (Price Skimming Strategy) 

Chiến lược giá hớt váng được thiết kế với mục đích tối đa hóa doanh số bán hàng cho doanh nghiệp trên các sản phẩm hay dịch vụ mới. Doanh nghiệp sẽ thiết lập mức giá cao hơn so với thị trường nhằm khẳng định chất lượng, định vị hình ảnh thương hiệu với khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh. 

Khi thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình chiến lược marketing phù hợp với tính chất sản phẩm và thực hiện điều chỉnh giảm giá đúng thời điểm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cần mang tính riêng biệt, tối ưu so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Mang lại mức lợi nhuận rất cao từ các khách hàng đầu tiên, chiến lược này phù hợp với các sản phẩm có chu kì ngắn như các sản phẩm công nghệ. 

Chiến lược hớt váng sữa của Apple mang lại hiệu quả kinh doanh đặc biệt ấn tượng.

Chiến lược hớt váng sữa của Apple mang lại hiệu quả kinh doanh đặc biệt ấn tượng.  

Ví dụ: Apple là thương hiệu thực hiện thành công chiến lược này, những sản phẩm mới của Apple từ điện thoại, máy tính bảng, laptop,.. ra mắt với mức giá cao, thu hút nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả để có thể sở hữu sản phẩm sớm nhất. Và thực hiện giảm giá những sản phẩm đời trước theo quy trình. 

4. Chiến lược khuyến mãi    

Chiến lược giá khuyến mãi là hình thức phổ biến nhất trong thời gian hiện nay, có thể bao gồm các phiếu thưởng, ưu đãi giảm giá, phiếu mua hàng,... Nhằm mục đích quảng bá những dòng sản phẩm mới hoặc những dòng sản phẩm mà doanh nghiệp hiện có. Tuy đây là một chiến lược đã cũ nhưng nó lại là một trong những chiến lược mang lại hiệu quả tốt nhất.

Doanh nghiệp có thể xây dựng những chiến lược khuyến mãi với mục đích riêng hoặc đẩy bán với mức giá rẻ hơn vào các ngày lễ Tết, ngày kỉ niệm, sinh nhật, Black Friday hoặc như Shopee xây dựng các khung giờ, ngày săn sale định kì trong tháng.

5. Chiến lược giá theo combo

Thực hiện bán sản phẩm theo gói, mỗi gói sẽ gồm 2 hoặc nhiều sản phẩm/dịch vụ song hành cùng nhau. Những combo sẽ thường có mức giá ưu đãi hơn khi bạn mua lẻ. Đây chính là điểm mạnh giúp thu hút khách hàng lựa chọn combo. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể bán sản phẩm sản phẩm riêng lẻ khi khách hàng có nhu cầu. Thường thấy chiến lược này được áp dụng cho ngành F&B, làm đẹp. 

Ví dụ: Các sản phẩm dưỡng da thường bán theo bộ, theo combo: Sữa rửa mặt, kem dưỡng, tinh chất. Hay combo gà rán mà bạn sẽ luôn thấy có ở KFC, Lotte

6. Chiến lược giá cao cấp

Chiến lược định giá cao cấp là khi doanh nghiệp xác định mức giá cao cho sản phẩm để thể hiện sản phẩm có giá trị chất lượng cao, sang trọng. Thường thấy các tổ chức áp dụng chiến lược này đều thực hiện kế hoạch xây dựng hình ảnh thương hiệu song song. Bạn cần tập trung vào khai thác và làm gia tăng giá trị cảm nhận sản phẩm từ khách hàng. 

Các thương hiệu áp dụng phương pháp định giá này được biết đến với việc cung cấp giá trị và trải nghiệm cao cấp thông qua các sản phẩm - Đây là lý do tại sao chúng được định giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Lĩnh vực thời trang và công nghệ sẽ phù hợp với chiến lược này vì sản phẩm có tính chất định hướng sang trọng, độc quyền, hiếm có. Gucci, YSL là những hãng thời trang áp dụng hiệu quả phương pháp này. 

Chiến lược định giá cao cấp thúc đẩy tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận

Chiến lược định giá cao cấp thúc đẩy tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận 

7. Chiến lược trả góp/trả sau (Credit-term pricing)

Chiến lược trả góp cho phép khách hàng sở hữu sản phẩm mà chỉ cần thanh toán một phần chi phí. Phần còn lại sẽ được kí kết thanh toán định kì theo tháng cho đến hết và thường sẽ bao gồm lãi suất. Hiện nay hình thức này đang được áp dụng đa ngành nghề: Điện thoại, ô tô, đất,...

Việc hỗ trợ khách hàng với chiến lược trả góp mang lại hiệu quả doanh thu ấn tượng cho doanh nghiệp mà không cần tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, bạn cần nắm vững thông tin khách hàng và khả năng tài chính để kiểm soát số nợ chặt chẽ. 

8. Chiến lược giá đánh vào từng phân khúc (Segmented pricing)

Tập trung khai thác vào từng nhóm đôi tượng khách hàng, doanh nghiệp cần thiết lập các mức giá khác nhau ứng với chất lượng sản phẩm. 
Hiểu người mua tiềm năng là bước đầu tiên để xác định các phân khúc giá hiệu quả. Việc thực hiện chia nhóm khách hàng có thể đo lường bằng nhiều tiêu chí: Nhân khẩu học, thu nhập, tâm lý,....

Ví dụ: Một khách hàng là sinh viên khi mua mỹ phẩm, họ sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có cùng công dụng với giá rẻ. Bên cạnh đó, nhóm người có thu nhập cao hơn, họ sẽ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm với mức giá cao và chất lượng hơn. 

9. Chiến lược giá theo tâm lý (Psychological pricing)

Chiến lược giá theo tâm lý là việc bạn nhắm vào tâm lý con người để thúc đẩy doanh số bán hàng. Lấy trọng tâm khai thác thực hiện chiến lược từ cảm xúc của người dùng, nên kỹ thuật định giá theo tâm lý có nhiều dạng khác nhau. 

  • Giới hạn thời gian: Sẽ không khó bắt gặp bảng hiệu bán hàng "Giảm giá chỉ trong một ngày duy nhất". Sự ngắn hạn của chiến lược giảm giá này hối thúc đối tượng mục tiêu ra quyết định chi tiêu nhanh chóng. Thường được thực hiện vào những ngày cuối tuần để tối ưu hiệu quả. 
  • Giá hấp dẫn: Thiết lập giá cho sản phẩm có những con số 9 ở cuối giá (ví dụ: 99k thay vì 100k), khách hàng sẽ cảm nhận mức giá này không quá cao. Việc kết thúc giá bằng số 9 sẽ thuyết phục khách hàng rằng bạn đang cung cấp sản phẩm với mức giá ưu đãi. 
  • Định giá so sánh: Bạn sẽ đặt các sản phẩm có cùng chức năng tương tự nhau cạnh nhau, thiết lập giá chênh lệch giữa các sản phẩm đó. Phương pháp này thường được áp dụng vào các sản phẩm thiết yếu, ở mô hình đại lý, siêu thị. 
  • Định giá mồi nhử (Decoy Pricing): Chiến thuật này cần có nhiều hơn 2 sự lựa chọn đưa đến cho khách hàng, khi người dùng cảm nhận sự lựa chọn cuối cùng hấp dẫn, phù hợp hơn hẳn, sẽ dễ dàng quyết định thực hiện giao dịch hơn. Định giá mồi nhử hiệu quả nhất khi bạn có định hướng sản phẩm cần ưu tiên và mong muốn khách hàng sử dụng nó. 

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng đa dạng các phương pháp định giá theo tâm lý để thu hút khách hàng theo từng giai đoạn và mục đích phát triển cụ thể. 

10. Chiến lược giá theo dòng sản phẩm

Dòng sản phẩm hay còn được gọi là product line hiện nay đã là mô hình sản xuất phổ biến của nhiều doanh nghiệp. Các sản phẩm được nâng cấp dựa trên bản gốc, định hướng người tiêu dùng tới giá trị, chất lượng sản phẩm cao cấp, tốt hơn so với thế hệ cũ. Khi thiết lập giá theo dòng sản phẩm, khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn để sở hữu sản phẩm. 

Ví dụ: Dòng điện thoại thông minh của Samsung được phân loại theo từng mức giá ứng với chất lượng khác nhau về camera, thiết kế, độ phân giải,... khách dàng dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Cải tiến công nghệ trên sản phẩm mới được xem là chất xúc tác thôi thúc người dùng chi trả để trải nghiệm.

Nên xác định chiến lược giá trong Marketing như thế nào?

1. Lợi ích của chiến lược giá trong Marketing

  • Định vị thương hiệu: Hãy lưu ý rằng, mọi người thường có suy nghĩ ấn định chất lượng sản phẩm tương thích với mức giá của nó. Việc thiết lập giá kết hợp với các chiến lược truyền thông, tiếp thị sẽ giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín lâu dài với khách hàng. 
  • Thu hút khách hàng: Thiết lập mưc giá chênh lệch so với thị trường chung sẽ tạo ấn tượng đầu tiên cho khách hàng, kích thích sự tò mò từ họ. Trong một số trường hợp giá có thể ảnh hướng đến việc khách hàng mua sản phẩm từ thương hiệu của bạn. 
  • Thấu hiểu thị trường: Việc xác định giá cho sản phẩm giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về thị trường. Hiểu và đưa ra những dự đoán rủi ro, cơ hội có giá trị lâu dài. 
  • Ước tính khả năng sinh lời: Áp dụng chiến lược giá phù hợp sẽ là nền tảng giúp bạn có phương pháp định giá, tính giá cho sản phẩm chính xác nhất. Đây chính là chìa khóa trong việc xác định doanh thu bán hàng và lợi nhuận. 

2. Cách xác định chiến lược giá trong Marketing

Giá sản phẩm và Marketing có mối quan hệ tương quan. Giá thành sẽ quyết định chiến lược tiếp thị hướng đến đối tượng mục tiêu nào, cấu thành xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh lâu dài và ngược lại, chiến lược marketing sẽ giúp sản phẩm nổi bật trên thị trường với mức giá mà doanh nghiệp ấn định. 

Để xác định chiến lược giá trong Marketing phù hợp với doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo một số cách sau: 

  • Xác định mục tiêu tiếp thị từ giá trị sản phẩm: Việc xác định được giá trị trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ gợi ý cho bạn nhiều định hướng tiếp thị đặc biệt. Nếu mục tiêu tiếp thị của bạn là thu hút khách hàng mới, hãy cho khách hàng thấy được sự nổi bật của sản phẩm thông qua giá hay giá trị sản phẩm mà bạn truyền tải. Tùy thuộc vào mục tiêu Marketing: tăng nhận thức thương hiệu, tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng mức độ tương tác,... sẽ có những phương pháp thực hiện tương ứng với mức giá, giá trị sản phẩm mà bạn xác định. 
  • Đánh giá cơ sở khách hàng hiện có: Chiến lược giá và Marketing có làm khách hàng cũ của bạn cảm thấy hài lòng? Nghiên cứu phản ứng người dùng với giá từ chính tài nguyên hiện có sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan, đánh giá hiệu quả, giảm thiểu khả năng tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng khi thực hiện điều chỉnh giá hay chiến lược tiếp thị. Đây cũng là một trong phương pháp tinh chỉnh chân dung khách hàng của bạn.  
  • Xem xét giá của đối thủ cạnh tranh: Giá của đối thủ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của bạn, khách hàng sẽ lựa chọn đơn vị tạo ra cho họ nhiều lợi ích với mức giá hấp dẫn hơn. Hãy lập danh sách các sản phẩm cạnh tranh và xem chúng được định giá như thế nào. Tiếp theo, lựa chọn chiến lược thúc đẩy tiếp thị phù hợp, có thể bạn sẽ để mức giá thấp hơn hoặc cải tiến sản phẩm và định giá sản phẩm cao hơn.
  • Nhận định xu hướng tiếp thị của ngành hàng: Mỗi ngành hàng sẽ ưa chuộng phương thức tiếp thị khác nhau, bởi nó ảnh hưởng từ tính chất sản phẩm đến cách thức khách hàng tiếp cận sản phẩm đó. Vì thế, định giá sản phẩm của mỗi ngành nghề cũng mang đặc điểm khác nhau.

Ví dụ: Kinh doanh nhà hàng, thường thấy việc sử dụng mức giá cao cho món ăn để định hình chất lượng sản phẩm tốt trong mắt người dùng hoặc trong thiết kế, các chuyên gia sẽ cung cấp mức giá tùy chỉnh đối với từng dự án dựa trên chất lượng dịch vụ mà khách hàng mong muốn. 

  • Thu Thập thông tin phản hồi từ khách hàng: Thông qua phản ứng với giá, bạn có thể xác định tâm lý khách hàng. Đối với sản phẩm hiện có, sản phẩm mới, bạn có thể đặt những câu hỏi như: 

- Mức giá nào là phù hợp mà bạn có thể sẵn sàng chi trả cho sản phẩm này?

- Nếu sản phẩm được giảm nửa giá, khả năng bạn sẽ mua nó là bao nhiêu?
- Bạn có thắc mắc giá trị thật của sản phẩm khi nhìn vào sản phẩm có giá thấp? 
- Tại thời điểm nào bạn coi đó là mức giá quá đắt?

  • Đánh giá ưu và nhược điểm giữa các chiến lược giá khác nhau: Khi lựa chọn mức giá cho sản phẩm, bạn nên xem xét các ưu và nhược điểm ở các chiến lược giá tốt nhất của mình. Nhược điểm bắt nguồn từ chiến lược giá sẽ là rào cản cho kế hoạch tiếp thị, bạn cần lường trước những bất lợi đó. Nó có thể đến từ khách hàng, thị trường, hay chính khâu sản xuất từ doanh nghiệp. 

Ví dụ: Khi bạn quyết định áp dụng chiến lược giá theo combo cho sản phẩm của mình, bạn phải đối mặt với khó khăn trong vấn đề tiếp thị các sản phẩm đơn lẻ, duy trì lợi ích cho các sản phẩm cụ thể trong tâm trí người tiêu dùng . Sẽ khó tránh khỏi việc khách hàng ưa chuộng sản phẩm theo combo vì nó mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn. 

Các bước xây dựng chiến lược giá hiệu quả 

Để có thể định giá hợp lý các sản phẩm, dịch vụ mà vẫn có thể đảm bảo được lợi ích doanh số cho các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh với đối thủ. Hơn nữa là đáp ứng được nhu cầu khách hàng, bạn cần nắm rõ các bước xây dựng chiến lược giá hiệu quả sau.

Quy trình 5 bước xây dựng chiến lược giá hiệu quả cho doanh nghiệp

Quy trình 5 bước xây dựng chiến lược giá hiệu quả cho doanh nghiệp

Bước 1: Phân tích các chi phí sản xuất của doanh nghiệp

Sau đây là các loại chi phí sản xuất mà doanh nghiệp cần quan tâm khi phân tích chiến lược giá:

  • Chi phí để vận hành sản xuất sản phẩm bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí văn phòng, máy thi công, lương cho công nhân,...
  • Chi phí cho các hệ thống kênh phân phối bao gồm chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng,...
  • Chi phí cho những hoạt động marketing bao gồm PR, quảng cáo, event hay chi phí cho các hoạt động với mục đích xúc tiến bán hàng,..

Bước 2: Phân tích tiềm năng của thị trường 

Các doanh nghiệp khi tiến hành xây dựng chiến lược giá cho sản phẩm cần phân tích tiềm năng của thị trường và dự báo khối lượng sản phẩm có thể tiêu thụ được bởi nó tác động đến chi phí sản xuất cũng như thu nhập và lợi nhuận doanh số của doanh nghiệp.

Độ co giãn của cầu theo giá (Ed) thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu của người dùng trên thị trường, xác định phản ứng người dùng khi giá thành sản phẩm thay đổi. 

Ed =(%sự thay đổi lượng cầu sản phẩm) / (%sự thay đổi về giá)

Tham khảo thêm bài viết: Phân tích thị trường là gì? Vì sao doanh nghiệp cần phải phân tích thị trường?

Bước 3: Xác định được vùng giá lý tưởng và mức giá cạnh tranh phù hợp

Để xây dựng chiến lược giá hiệu quả nhất, doanh nghiệp có thể dựa trên thước đo về chi phí sản xuất, mức độ cạnh tranh thị trường, mục tiêu chiến lược marketing ban đầu và giá bán dự kiến để đưa ra được một giới hạn giá nhất định bằng cách trả lời các câu hỏi như :

  • Mức giá hoà vốn (thấp nhất) là bao nhiêu?
  • Mức giá cao nhất trong vùng thị trường mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được là bao nhiêu?
  • Sản phẩm hiện có được đặt mức giá thấp nhất trên thị trường là bao nhiêu? 

Bước 4: Dựa trên cơ cấu sản phẩm để xây dựng chiến lược giá

Một cơ cấu giá được xem là hoàn thiện nếu nó thỏa mãn được 3 yêu cầu dưới đây:

  • Khả năng cung cấp một khung chi tiết để tính giá sản phẩm cho doanh nghiệp.
  • Thể hiện được một cách rõ ràng vị trí của doanh nghiệp khi tiến hành so sánh với giá thành cạnh tranh.
  • Phát hiện được những lỗ hổng tài chính để giảm thiểu được các chi phí không cần thiết và tối ưu được giá thành của sản phẩm.

Khi đã xác định được những bộ phận hợp thành cơ cấu sản phẩm, các marketer có thể đưa ra được mức giá cạnh tranh nhất cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường.

Bước 5: Báo giá

Bước cuối cùng trong xây dựng chiến lược giá mà doanh nghiệp cần thực hiện chính là báo giá ngay sau khi doanh nghiệp đã đưa ra được mức cơ cấu giá các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đi kèm theo những vấn đề ràng buộc có liên quan đến mối quan hệ giữa đại lý và người tiêu dùng hoặc quyền lợi giữa người bán và người mua để từ đó, dựa trên báo giá để xác định được kênh phân phối hiệu quả.

Ngừng lãng phí ngân sách quảng cáo Online với phần mềm CRM
“Một nửa số tiền tôi dành cho quảng cáo không đem lại hiệu quả, nhưng vấn đề là tôi không biết nửa đó là nửa nào” –  John Wanamaker – đã có lời giải cho cha đẻ của ngành quảng cáo hiện đại

Tư vấn miễn phí Tìm hiểu thêm

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly