Product Life Cycle - Vòng đời sản phẩm và kiến thức cơ bản cần biết

Thủy Nguyễn 02/08/2022

Vòng đời sản phẩm là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực marketing miêu tả lại quá trình một sản phẩm từ lúc bắt đầu ý tưởng cho đến khi rời khỏi kệ. Cùng các chuyên gia của Bizfly tìm hiểu kỹ hơn về khái niệm vòng đời sản phẩm là gì và các giai đoạn của vòng đời sản phẩm trong bài viết dưới đây.

Vòng đời sản phẩm là gì?

Vòng đời sản phẩm (Product Life Cycle) là quy trình của sản phẩm, từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cho tới khi thiết kế, phát triển, đưa ra ngoài thị trường, sử dụng, bảo trì cho đến khi bị đào thải khỏi thị trường kinh doanh. Mục đích chính của việc xác định vòng đời sản phẩm là giúp cho các nhà quản trị marketing nắm bắt được các giai đoạn khác nhau thông qua những minh chứng từ quá trình thay đổi lợi nhuận và tăng trường doanh số.

Một sản phẩm không cần thiết phải có đầy đủ tất cả các giai đoạn, ngắn hay dài còn phụ thuộc vào lĩnh vực và ngành nghề mà doanh nghiệp kinh doanh. Vòng đời của sản phẩm có thể tiếp tục phát triển và kéo dài trong dài hạn, ví dụ như: đồ tiêu dùng, sữa…

Vòng đời sản phẩm là quá trình một sản phẩm từ lúc ý tưởng đến khi bị loại bỏ ra khỏi thị trường

Vòng đời sản phẩm là quá trình một sản phẩm từ lúc ý tưởng đến khi bị loại bỏ ra khỏi thị trường

Các giai đoạn của vòng đời sản phẩm

Vòng đời sản phẩm trong marketing bao gồm 4 giai đoạn: giới thiệu sản phẩm - phát triển sản phẩm - trưởng thành và suy thoái. Thông thường các giai đoạn này sẽ được các nhà quản trị ứng dụng nhiều trong các chiến lược giá cũng như quản lý sản phẩm và đặc biệt có lợi trong quá trình lên ngân sách cho các chiến dịch marketing/tiếp thị.

Giai đoạn giới thiệu sản phẩm

Đây là giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường. Thông thường giai đoạn này sẽ được thực hiện sau một thời gian dài nghiên cứu, xây dựng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Doanh nghiệp sẽ phải bỏ khá nhiều chi phí cho quảng bá sản phẩm và thương hiệu, do đó giá thành của sản phẩm ở giai đoạn này thường rất cao. Ngoài ra doanh thu mang lại cũng không đủ để bù vào các chi phí, điều này dẫn đến doanh nghiệp thường sẽ bị lỗ trong giai đoạn đầu tiên này.

Giai đoạn phát triển

Trong giai đoạn này, khách hàng đã biết đến sản phẩm và doanh nghiệp nhiều hơn do các chiến lược marketing mở rộng thị trường. Doanh thu cũng ổn định hơn so với giai đoạn giới thiệu sản phẩm.

Các chi phí phải bỏ ra của doanh nghiệp cũng được giảm dần và kéo theo giá thành của sản phẩm của không còn cao như giai đoạn trước. Tuy nhiên các đối thủ cạnh tranh bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này. Vì thế, mặc dù doanh thu kiếm được tăng và bù vào các khoản chi tiêu giúp doanh nghiệp hòa vốn thì khó khăn trước mặt vẫn còn rất nhiều.

Vòng đời sản phẩm sẽ trải qua 4 giai đoạn: Giới thiệu - Phát triển - Trưởng thành - Suy thoái

Vòng đời sản phẩm sẽ trải qua 4 giai đoạn: Giới thiệu - Phát triển - Trưởng thành - Suy thoái

Giai đoạn trưởng thành

Trong giai đoạn này, sản phẩm đã tạo được vị trí đứng trong lòng người tiêu dùng. Đây là giai đoạn được đánh giá ổn định nhất của sản phẩm do mức chi phí giảm xuống thấp nhất và giá thành ổn định. Lượng khách hàng tuy không nhiều như ở giai đoạn trước nhưng lại đều đặn và gắn bó với sản phẩm lâu hơn.

Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi doanh nghiệp cần đưa ra các chiến lược nghiên cứu, phát triển và xây dựng điểm khác biệt để làm lợi thế cạnh tranh.

Giai đoạn suy thoái

Là giai đoạn cuối cùng để quyết định xem vòng đời của sản phẩm sẽ tiếp tục hay kết thúc. Ở giai đoạn này, số lượng đối thủ cạnh tranh sẽ cao nhất khiến doanh nghiệp phải bỏ nhiều chi phí để đầu tư. Bên cạnh đó, giá thành của sản phẩm cũng được hạ xuống nhằm mục đích kích thích nhu cầu mua của khách hàng. Tỷ lệ doanh thu thu về cũng giảm xuống một cách rõ rệt.

Do đó nếu không có các chiến lược phát triển, nghiên cứu phù hợp thì sản phẩm sẽ kết thúc vòng đời tại đây. Ngược lại, nếu như biết quảng bá, xây dựng đúng cách, sản phẩm hoàn toàn có thể phất lên.

Phương thức xác định vòng đời sản phẩm

Để có thể xác định được vòng đời sản phẩm, bạn có thể dựa trên các yếu tố sau:

  • Yếu tố nội tại: Doanh nghiệp cần thu thập các thông tin định lượng. Ví dụ như: mức độ tăng trưởng, chi phí đầu tư, giá thành sản phẩm, doanh số bán hàng.
  • Yếu tố bên ngoài: Một trong những yếu tố bên ngoài rõ ràng nhất để xác định giai đoạn của sản phẩm chính là đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra yếu tố thị trường cũng đóng một vai trò không nhỏ.

Làm cách nào để kéo dài vòng đời sản phẩm?

Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả để kéo dài vòng đời của sản phẩm mà các chuyên gia Bizfly chia sẻ tới độc giả.

Truyền thông và quảng bá

Truyền thông và quảng bá là phương thức giúp thu hút các khách hàng tiềm năng. Vừa có thế tiếp thị lại đối với khách hàng cũ một cách hiệu quả vừa thuyết phục họ quay trở lại.

Giảm giá thành của sản phẩm

Nếu hiệu quả chiến lược tiếp thị của bạn mang lại bắt đầu giảm dần thì lựa chọn tối ưu nhất dành cho bạn chính là giảm giá khuyến mãi sản phẩm. Điều này sẽ giúp kích thích nhu cầu của khách hàng cũng như giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm.

Giảm giá thành cũng là cách để kéo dài vòng đời của sản phẩm

Giảm giá thành cũng là cách để kéo dài vòng đời của sản phẩm

Bổ sung thêm các tính năng mới 

Một trong những phương án giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm chính là bổ sung thêm các tính năng mới. Sản phẩm của bạn sẽ trở nên tốt hơn, từ đó thu hút lại được đối tượng khách hàng đã sử dụng sản phẩm trước đó cũng như những khách hàng mới.

Tìm kiếm thị trường tiềm năng

Đến một giai đoạn khi thị trường cũ đã bão hòa, sản phẩm của doanh nghiệp nên tiếp cận thị trường mới tiềm năng hơn và mở rộng cơ hội kinh doanh. Ví dụ: Tại thị trường Việt Nam, các nhà mạng lớn Viettel và Mobifone cũng bước vào giai đoạn cạnh tranh, bởi vậy hai doanh nghiệp này đã lựa chọn tìm kiếm và phát triển cơ hội tại thị trường Cambodia hoặc Myanmar. Qua đó hình thành nên một vòng đời sản phẩm mới.

Xem thêm: Thị trường tiềm năng: Khái niệm, vai trò và tiêu chí xác định

Thay bao bì sản phẩm

Điều này sẽ giúp khách hàng cảm thấy hứng thú hơn và không cảm thấy nhàm chán. Bạn chỉ cần mất một khoản ngân sách để thiết kế một bao bì mới cũng việc quảng cáo sản phẩm, doanh thu bán hàng cũng sẽ từ đó được nâng cao.

Mì Hảo Hảo - Ví dụ điển hình về vòng đời sản phẩm

Cùng các chuyên gia Bizfly tìm hiểu kỹ hơn về một ví dụ về vòng đời sản phẩm, đó chính là Mì Hảo Hảo - Đến từ doanh nghiệp Acecook Việt Nam.

Giai đoạn giới thiệu sản phẩm

Khi bắt đầu đưa ra thị trường vào năm 2000, Hảo Hảo liên tục thực hiện các chiến dịch truyền thông quảng cáo trên TV, nhất là các kênh VTV3 và HTV7. Hảo Hảo còn tạo các spot quảng cáo với sự có mặt của nhiều danh hài nổi tiếng thu hút đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, Hảo Hảo còn hoàn thiện hệ thống các nhà máy sản xuất kéo dài từ Bắc vào Nam trong năm 2003 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Giai đoạn phát triển

Thông qua tài trợ của các chương trình truyền hình có độ phủ sóng lớn cũng như quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền hình HTV7 và VTV3, Hảo Hảo đã tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới. Qua đó giúp doanh nghiệp Acecook Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng của sản phẩm.

Mì Hảo Hảo là một trong những ví dụ điển hình cho một vòng đời sản phẩm

Mì Hảo Hảo là một trong những ví dụ điển hình cho một vòng đời sản phẩm

Giai đoạn trưởng thành

Năm 2005, mì Hảo Hảo chính thức trở thành thương hiệu có tỷ lệ thị phần số 1 Việt Nam. Tuy nhiên ở giai đoạn này, mì Hảo Hảo cũng gặp phải khá nhiều thử thách khi thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu mì mới như: Cung Đình, Gấu Đỏ hay Omachi… Nhưng sau đó vào năm 2018, mì Hảo Hảo xác lập kỷ lục là sản phẩm mì gói có số lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm. 

Giai đoạn kéo dài vòng đời sản phẩm

Không dừng lại với mì Hảo Hảo truyền thống, hãng Acecook Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm mới là Handy Hảo Hảo và được thiết kế dưới dạng ly nhựa. Kèm với đó, hãng cũng lần lượt cho ra mắt nhiều thực phẩm ăn liền như hủ tiếu, phở, bún bò… nhằm mục đích đa dạng hóa và phong phú sự lựa chọn của khách hàng. Từ đó giúp thương hiệu mì Hảo Hảo giữ vững được thị phần của mình trong một thời gian dài.

Quá trình duy trì vòng đời của sản phẩm là một việc không hề dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp cần biết vận dụng các kỹ năng, thấu hiểu kỹ lưỡng các yếu tố bên ngoài và nội tại để có những bước đi đúng đắn nhất.

Quản lý bán hàng - Bứt tốc doanh thu nhờ BizShop - Phần mềm quản lý bán hàng Online
Lựa chọn hàng đầu của +3,500 Doanh nghiệp

Dùng thử ngay Tìm hiểu thêm

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly