Siêu ứng dụng là gì? Các siêu ứng dụng phổ biến ở Việt Nam

Thủy Nguyễn 04/02/2023

Những năm gần đây ứng dụng di động đã dần phổ biến, con người có thể trải nghiệm tất cả mọi thứ từ công việc, mua sắm, giải trí... chỉ với “một chạm” trên chiếc smartphone. Từ đó, khái niệm “siêu ứng dụng” hay Super App với xu hướng “tích hợp các tiện ích” vào trong một ứng dụng ra đời. Vậy, siêu ứng dụng là gì? Cùng Bizfly tìm hiểu những thông tin bổ ích này trong bài dưới đây.

Siêu ứng dụng là gì?

Theo Phó Chủ Tich Kỹ Thuật Cấp Cao của GoJek - Sidu Ponnappa: “Siêu ứng dụng (Super App)ứng dụng chứa nhiều ứng dụng con (Mini Apps) và là một hệ điều hành điều phối những ứng dụng con này”. Còn theo Mike Lazaridis - Nhà sáng lập BlackBerry, định nghĩa: ”Siêu ứng dụng là một hệ sinh thái khép kín gồm nhiều ứng dụng mà mọi người sẽ sử dụng hàng ngày vì chúng mang lại trải nghiệm liền mạch, tích hợp, theo ngữ cảnh và hiệu quả”.

Chưa có một khái niệm chung nhất cho định nghĩa về siêu ứng dụng, nhưng có thể thấy siêu ứng dụng hay Super App được dùng để nói đến những ứng dụng tập hợp tất cả trong một (all in one app) để mang đến một trải nghiệm liền mạch. Những Super App này được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau từ chơi game, liên kết thanh toán, nhắn tin, đặt xe, hay thậm chí là đi chợ giúp bạn thông qua một ứng dụng duy nhất.

Theo đó, điều kiện cần để một ứng dụng được gọi là siêu ứng dụng là:

  • Số lượng người dùng đủ lớn (tùy thuộc vào ngành nghề và tập người dùng ứng dụng đó hướng tới). Đồng thời ứng dụng đó giải quyết được nhu cầu nào đó của người dùng, và được họ chọn sử dụng.
  • Nhiều Mini Apps được tích hợp trong siêu ứng dụng, số lượng rất lớn có thể lên đến hàng nghìn ứng dụng con.

Siêu ứng dụng là gì?

Siêu ứng dụng là một ứng dụng tập hợp tất cả trong một (all in one app) để mang đến trải nghiệm liền mạch

Những siêu ứng dụng phổ biến tại Việt Nam hiện nay

Nhìn chung trên thị trường hiện nay, có 2 hướng tiếp cận phổ biến khi phát triển siêu ứng dụng gồm:

  • Nội bộ công ty tự phát triển và xây dựng các tính năng trong siêu ứng dụng để phục vụ người dùng. Đây là hướng tiếp cận phổ biến tại Việt Nam, một vài siêu ứng dụng nổi bật có thể kể đến như: Momo, Grab, Shopee...
  • Cung cấp API để bên thứ ba phát triển những ứng dụng con trên nền tảng của ứng dụng gốc. Điển hình của hướng tiếp cận này là WeChat, ở Việt Nam chúng ta chưa có siêu ứng dụng đi theo hướng tiếp cận này.

Tại Việt Nam, có 3 siêu ứng dụng nổi bật đi theo hướng tiếp cận thứ nhất, do nội bộ công ty tự phát triển để phục vụ người dùng của họ, đó là: 

  • Grab: Khởi nguồn là ứng dụng đặt xe, Grab sau đó đã tích hợp nhiều tiện ích chỉ với một vài thao tác trên điện thoại. Năm 2018 Grab sát nhập với Uber, đồng thời mua lại trung gian thanh toán Moca. Từ đó phát triển thành một hệ sinh thái khép kín từ di chuyển, giao nhận, đặt xe, thanh toán hóa đơn điện nước, mua bảo hiểm,...
  • Momo: Đặc trưng của Momo ban đầu là “ví điện tử”. Tận dụng lợi thế số lượng người dùng lớn trên 20 triệu người, Momo lấn sân sang lĩnh vực khác, phát triển trở thành một siêu ứng dụng tích hợp nhiều tiện ích khác nhau, có thể kể đến như: Tài chính tiêu dùng, thanh toán hóa đơn (điện, nước, điện thoại,...), liên kết thanh toán với các trang thương mại điện tử, đặt vé du lịch, vé xem phim, ăn uống,...
  • Zalo Pay: Xuất phát điểm tương tự như Momo, Zalo tận dụng lợi thế người dùng lớn hơn 100 triệu, để phát triển siêu ứng dụng Zalo Pay nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Các tiện ích khi sử dụng Zalo Pay có thể kế đến là: thanh toán hóa đơn, liên kết thanh toán với các ứng dụng khác như: Shopee, Lazada, Grab, Be,...

Grab, Zalo Pay hay Momo chỉ là 3 trong số các siêu ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều siêu ứng dụng khác như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Chợ Tốt, Mobiphone Pay, Gojek, Be,...

Những siêu ứng dụng phổ biến tại Việt Nam

Những lợi ích và sự thuận tiện mà siêu ứng dụng mang lại cho người dùng khiến nó ngày càng “hot” và trở thành một xu thế tất yếu

Tiềm năng phát triển siêu ứng dụng tại Việt Nam

Sự xuất hiện của các siêu ứng dụng đã dần trở nên quen thuộc và thay đổi thói quen người dùng, thúc đẩy cuộc sống tiện nghi hơn. Giờ đây, tất cả nhu cầu hàng ngày có thể được phục vụ chỉ với vài cú chạm tay trên màn hình điện thoại. Tiềm năng phát triển siêu ứng dụng tại Việt Nam là rất lớn. Những lợi ích mà siêu ứng dụng mang đến như:

  • Thay đổi thói quen từ “off” sang “on”: Cuộc sống bận rộn, con người ngày càng không có nhiều thời gian, vì thế thói quen tiêu dùng đang chuyển dịch dần từ offline sang online. Chỉ với một vài thao tác trên thiết bị di động, các mặt hàng mua sắm của bạn sẽ được giao tận nhà, mà không phải mất thời gian tới cửa hàng.
  • Thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt: Những năm gần đây, Việt Nam chủ trương các biện pháp nhằm "Tiến tới quốc gia không tiền mặt". Hàng loạt các hoạt động, báo chí mang tính thiết thực đã được triển khai để giáo dục người dùng về lợi ích và tầm quan trọng của việc thanh toán không tiền mặt. Trong bối cảnh này, các siêu ứng dụng cũng được hưởng lợi từ nhiều hoạt động marketing kết hợp với các ban ngành hàng năm như: Ngày hội mua sắm thanh toán không tiền mặt tại TP.HCM và Hà Nội, ủng hộ nông sản Việt qua nền tảng ví điện tử, ủng hộ hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua nhu yếu phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử,...
  • Không bị cạnh tranh gay gắt: Trái với các nước Phương Tây, khi các “chợ ứng dụng” như App Store hay Google Play trở nên phổ biến, thì ứng dụng bên thứ ba tại Việt Nam ít bị cạnh tranh hơn. Các ứng dụng bên thứ ba cần tập trung giải quyết bài toán của người dùng, mở rộng tiện ích để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh để gia tăng, và giữ chân người dùng.
  • Thu hẹp khoảng cách trong giai đoạn phát triển internet: Siêu ứng dụng giúp thu hẹp khoảng cách trong giai đoạn internet lên ngôi. Bạn không cần phải ra ngân hàng chỉ để chuyển tiền cho người thân, hoặc đến công ty điện lực để thanh toán hóa đơn tiền điện. Giờ đây mọi giao dịch thanh toán có thể được thực hiện với chỉ một chạm trên thiết bị điện thoại.

Từ phía người sử dụng, siêu ứng dụng đã giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn. Khi các siêu ứng dụng bước vào giai đoạn cạnh tranh giành thị phần, người dùng còn được hưởng lợi trực tiếp từ các mã giảm giá, khuyến mãi,... Những hoạt động này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho người dùng, mà còn giúp nhà phát triển mở rộng dữ liệu thông tin người dùng. Mặt khác, các siêu ứng dụng phát triển góp phần tạo cơ hội việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Siêu ứng dụng đã giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn

Siêu ứng dụng đã giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn

Hy vọng những thông tin Bizfly chia sẻ đã giúp bạn hiểu hơn về siêu ứng dụng - một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, và vai trò của nó trong cuộc sống ngày nay. Bạn có thể lựa chọn những siêu ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân, trải nghiệm cuộc sống tiện nghi do những siêu ứng dụng này mang lại, hoặc có thể tự mình phát triển những siêu ứng dụng trong tương lai.

>> Những xu hướng phát triển app IOS và Android hàng đầu hiện nay

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly