Xây dựng giá trị cốt lõi sẽ giúp doanh nghiệp vạch ra hướng đi đúng đắn và tạo dựng niềm tin với khách hàng. Tuy nhiên còn nhiều công ty, doanh nghiệp hoàn toàn mơ hồ với thuật ngữ này.
Trong bài viết sau, Bizfly sẽ giúp doanh nghiệp sáng tỏ hơn về định nghĩa và tầm quan trọng của yếu tố này. Hãy theo dõi.
Giá trị cốt lõi là gì?
Giá trị cốt lõi (Core Values) là một thuật ngữ dùng để chỉ ra những những nền tảng đặc trưng riêng biệt của doanh nghiệp. Những đặc trưng này bao gồm: giá trị, nguyên tắc lâu dài, lý tưởng, niềm tin, định hướng,... Những yếu tố trên sẽ giúp doanh nghiệp điều hướng hoạt động, tạo dựng bản sắc thương hiệu riêng,...
Các chuyên gia thường xem giá trị cốt lõi là “linh hồn” của doanh nghiệp và luôn đặt nó đi kèm với sứ mệnh, tầm nhìn lẫn văn hóa công ty.
Core Values là những nguyên tắc, định hướng và bản sắc riêng của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Sứ mệnh thương hiệu là gì? 3 nguyên tắc xây dựng sứ mệnh hiệu quả
Các thành phần quan trọng trong giá trị cốt lõi
Tùy vào định hướng và mục đích phát triển, các doanh nghiệp sẽ xây dựng cho mình những giá trị riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo giá trị đó phải gắn liền với thương hiệu và có sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
Để biến giá trị cốt lõi trở thành bản tuyên ngôn cho chính mình, doanh nghiệp nên xây dựng dựa trên một vài tính cách sau:
- Sự tin cậy
- Sự tận tụy
- Sự hiếu khách
- Sự nhiệt tình, thân thiện
- Sự cam kết
- Sự rõ ràng
- Sự tham vọng
- Khả năng thay đổi và thích nghi
- Lòng trung thành
- Tính cách hài hước
- Lòng tôn trọng
Những tính cách trên có thể giúp doanh nghiệp định hình giá trị phù hợp với sản phẩm, hành vi nội bộ cũng như quan hệ đối ngoại nếu được áp dụng đúng cách.
Tầm quan trọng của việc xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp
Giá trị nền tảng không chỉ giúp công ty, doanh nghiệp và tổ chức định hình hướng đi mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc:
- Hướng dẫn nhân viên hành xử: Khi doanh nghiệp có những nguyên tắc, giá trị và quan điểm rõ ràng, nhân viên sẽ tuân thủ vào đó để có những hành xử đúng chuẩn mực hơn ở nơi làm việc. Đồng thời, họ có thể giữ vững lòng tin đối với tổ chức dù cho những biến động về kinh tế - xã hội xảy ra.
- Gia tăng nhận diện với khách hàng: Khách hàng sẵn sàng đầu tư hoặc chi trả cho sản phẩm/dịch vụ của những công ty có giá trị cốt lõi độc đáo. Đồng thời, họ còn có thể nhận diện hoặc bị thu hút bởi những doanh nghiệp mang đến giá trị cho mình.
- Thu hút nguồn nhân lực tài năng: Không ứng viên nào muốn làm việc cùng một công ty có thông tin hay giá trị không rõ ràng. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình những giá trị riêng để thu hút và giữ chân nhân tài.
Core Values sẽ định hướng nguyên tắc ứng xử cho nhân viên trong một tập thể
Đọc thêm: 13 nghệ thuật quản lý nhân sự tinh tế dành cho các nhà lãnh đạo
Để xây dựng được giá trị cốt lõi doanh nghiệp cần làm gì?
Để xây dựng một bộ giá trị riêng, các công ty/doanh nghiệp cần làm rõ được những vấn đề sau:
- Bạn và người đồng hành muốn tạo ra những giá trị nào cho doanh nghiệp?
- Tìm kiếm những lý tưởng và đích đến chung cùng với nhân viên của mình để tạo nên sự kết nối văn hóa vững chắc giữa tập thể.
- Tổng hợp những mong muốn, xu hướng của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ để tạo ra những giá trị hữu ích với họ. Những điều khách hàng cần có thể là: giá thành, chất lượng sản phẩm, chế độ chăm sóc khách hàng, ưu đãi - khuyến mãi,...
5 cách giúp doanh nghiệp thiết lập giá trị cốt lõi dễ dàng
Để thiết lập giá trị nền tảng các doanh nghiệp cần nắm vững 5 bước sau:
Tham khảo ý kiến từ nhân viên
Hãy đặt ra câu hỏi với nhân viên của mình và làm rõ các yếu tố sau:
- Với họ, điều gì quan trọng nhất trong môi trường làm việc?
- Họ sẽ ưu tiên điều gì khi tương tác với khách hàng?
- Vì sao họ cống hiến? và họ yêu thích doanh nghiệp ở điều gì?
- Liệt kê những điều nhân viên muốn doanh nghiệp thay đổi và cải thiện
Xác định giá trị từ ý kiến, suy nghĩ và mong muốn của từng nhân viên
Tham khảo ý kiến từ khách hàng
Để xây dựng giá trị cốt lõi, doanh nghiệp hãy thăm dò ý kiến của khách hàng thông qua các cuộc trò chuyện hoặc biểu mẫu về các vấn đề:
- Điều gì khiến họ lựa chọn dịch vụ/sản phẩm của doanh nghiệp?
- Điểm nổi bật của tổ chức doanh nghiệp là gì?
- Lý do họ quay trở lại với dịch vụ của doanh nghiệp là gì?
Đánh giá lại doanh nghiệp
Đánh giá và nhìn nhận các mặt tích cực lẫn tiêu cực đang hiện diện trong doanh nghiệp. Xác định những giá trị cốt lõi cơ bản thông qua việc tổng hợp tất cả các thông tin tích cực. Bước này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ bản thân cần phát huy và loại bỏ những yếu tố nào để xây dựng giá trị.
Phù hợp với tiếng nói thương hiệu
Các công ty, doanh nghiệp nên lấy tiếng nói thương hiệu làm nền tảng để tạo ra những giá trị khác biệt cho chính mình. Đây chính là dấu hiệu để khách hàng nhận biết sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp trong hàng ngàn thương hiệu khác.
Phổ biến giá trị cốt lõi rộng rãi
Nhân rộng giá trị nền tảng thông qua các cuộc họp slide để nhân viên cảm nhận được chính mình ở trong đó. Như vậy, họ sẽ trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp truyền tải những giá trị đó đến với khách hàng.
Một số giá trị cốt lõi từ các thương hiệu lớn trên thị trường
Không chỉ tìm hiểu trong nội tại doanh nghiệp và ở khách hàng mục tiêu, mà các tổ chức cũng nên học hỏi giá trị nền tảng từ những thương hiệu lớn để rút ra kinh nghiệm cho chính mình.
Giá trị cốt lõi của tập đoàn Vingroup
Tập đoàn Vingroup luôn hoạt động dựa trên 6 giá trị sau:
- Tín: Sử dụng chữ tín để bảo vệ danh dự cho doanh nghiệp và làm vũ khí cạnh tranh. Làm việc và nỗ lực hết mình để cam kết về tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm - dịch vụ.
- Trí: Vingroup coi sáng tạo là sức sống và đòn bẩy phát triển để tạo ra bản sắc riêng cho từng sản phẩm. Đồng thời, tập đoàn cũng đề cao sự tìm tòi, tinh thần dám nghĩ dám làm, tự học và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ - kỹ thuật vào sản xuất.
- Tâm: Chữ tâm trong giá trị cốt lõi của Vingroup là luôn thượng tôn luật pháp, duy trì đạo đức xã hội và nghề nghiệp. Đồng thời, luôn đặt lợi ích của khách hàng làm trung tâm, sẵn sàng phục vụ - chăm sóc khách hàng bằng sự tình nguyện.
- Nhân: Sức lao động đối với Vingroup là tài sản quý giá, tập đoàn luôn thực thi các chính sách phúc lợi cho nhân viên cũng như thường xuyên xây dựng các mối quan hệ đối tác - khách hàng dựa trên tình nhân ái.
- Tốc: Tập đoàn sử dụng tôn chỉ “tốc độ, hiệu quả trong từng hành động” để làm giá trị bản sắc riêng.
- Tinh: Mang đến những tinh hoa về con người - sản phẩm - dịch vụ - xã hội - cuộc sống
6 giá trị nền tảng của tập đoàn Vingroup
Giá trị cốt lõi của tập đoàn Viettel
Ban lãnh đạo Viettel đã xây dựng các giá trị nền tảng cho doanh nghiệp của mình như:
- Kiểm nghiệm chân lý dựa trên tiêu chuẩn thực tiễn
- Lấy thách thức, sai lầm để học tập và trưởng thành
- Có khả năng thích ứng nhanh
- Đề cao tư duy hệ thống và sáng tạo
- Viettel là ngôi nhà chung của mọi người
- Được kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa Đông - Tây
- Lấy truyền thống và cách làm người lính làm chuẩn mực
Những giá trị nền tảng đã đi cùng Viettel trong suốt nhiều năm phát triển
Giá trị cốt lõi của tập đoàn FPT
Tập đoàn FPT xây dựng giá trị gói gọn trong 6 chữ “tôn đổi đồng - chí gương sáng”, cụ thể:
- Tôn trọng từng cá nhân thông qua bao dung, lắng nghe,...
- Luôn có tinh thần đổi mới trong học tập, sáng tạo,...
- Đề cao tinh thần đồng đội: đồng tâm, chân tình và tập thể
- Ban lãnh đạo luôn chí công, nhân viên chỉ cần làm việc mà không cần xu nịnh
- Lãnh đạo là người gương mẫu
- Luôn sáng suốt, có tầm nhìn xa và quyết đoán trong mọi hành động.
Đọc thêm: Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì? 9 yếu tố quan trọng cần có
Như vậy, giá trị cốt lõi là nền tảng để doanh nghiệp tạo ra những giá trị riêng và hướng tới sự phát triển vững bền. Hãy áp dụng những thông tin, kiến thức trên để xây dựng cho công ty, doanh nghiệp những giá trị riêng biệt để tạo ra sự khác biệt so với đối thủ.