Doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh bán hàng online qua website, kênh thương mại điện tử, mạng xã hội... để tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng.
Năm qua, ngành bán lẻ chứng kiến sự bùng nổ của kênh bán hàng trực tuyến. Vì phải hạn chế đi lại, người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online bởi an toàn sức khỏe hơn so với các cửa hàng truyền thống, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của tiêu dùng online. Sự ưu ái này thể hiện trong khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, khi 63% người tham gia cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Trong đó, 35% số người khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.
Nhằm nắm bắt xu hướng này, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tận dụng cơ hội đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, thông qua hàng loạt các giải pháp, công cụ đa dạng. Hiện nay, môi trường trực tuyến mở ra nhiều kênh tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả như thương mại điện tử, mạng xã hội, siêu ứng dụng, website... Mỗi kênh sở hữu một lợi thế, vai trò và chức năng riêng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chăm sóc hậu mãi. Việc nắm vững những lợi thế và đặc điểm của từng kênh giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa môi trường trực tuyến, tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng và đạt mức tăng trưởng doanh số hiệu quả hơn.
Ông Tuấn Nguyễn - Phó tổng giám đốc VCCorp, Giám đốc BizFly.
Ông Tuấn Nguyễn - Phó tổng giám đốc VCCorp, Giám đốc BizFly cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức rõ vai trò của việc chủ động chuyển đổi số. Tuy nhiên đây là một hành trình dài, đòi hỏi nhiều công sức, chất xám và tâm thế quyết liệt của doanh nghiệp. Bên cạnh kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, chuyên gia này gợi ý 4 công cụ giúp doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang môi trường trực tuyến nhanh chóng và hiệu quả.
Trong khi website mang đến một kênh thông tin chính thống cho doanh nghiệp để khách hàng truy cập mua sản phẩm và cập nhật các thông tin chính thức, trang thông tin (landing page) được xem như một "gian hàng ảo", đáp ứng tiêu chí "ngon - bổ - rẻ". Landing page được thiết kế nhanh, chi phí "mềm" chỉ từ 1-5 triệu đồng, linh động, dễ cập nhật, giảm chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp.
Một landing page có thể được tích hợp đồng bộ các cổng giao tiếp với khách hàng như chatbot tư vấn, email marketing, hệ thống thu thập dữ liệu...
"Việc tích hợp đóng vai trò quan trọng với landing page như một 'ngôi nhà' mà chủ nhà cần sử dụng các công cụ tự động tiếp cận, thu hút khách hàng ghé thăm nhiều lần, để từ đó, họ trở thành 'khách quen' và vui vẻ mở hầu bao", ông Tuấn Nguyễn nói.
Chatbot được xem là "nhân viên" tiếp khách nhiệt tình nhất tại cửa hàng online trên chính trang mạng xã hội hoặc website của doanh nghiệp. Việc tích hợp và sử dụng chatbot khá đơn giản, chi phí hiện nay cũng hợp lý với nhiều đơn vị cung cấp, chỉ 200.000-300.000 đồng một tháng. Thị trường cũng có sẵn những phiên bản chatbot miễn phí giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động trên môi trường online.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp nên chọn chatbot thông minh không chỉ biết trả lời tự động bình luận, tin nhắn mà còn biết chủ động tiếp thị, phát động game tương tác, chiến dịch quảng bá... và giúp khách hàng ra quyết định mua hàng nhanh chóng, phù hợp. Việc lựa chọn chatbot đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng và doanh nghiệp cũng là một lưu ý doanh nghiệp cần cân nhắc.
Email marketing cũng là kênh nuôi dưỡng khách hàng hiệu quả bởi khi đã xây dựng được nguồn dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp có thể gửi tài liệu, chương trình khuyến mại được cá nhân hóa cho từng nhóm khách hàng, tránh tình trạng gây nhiễu thông tin và tạo cảm giác phiền toái cho nhóm khách hàng không phải là mục tiêu.
Email marketing hoạt động hiệu quả khi doanh nghiệp chuẩn hóa dữ liệu khách hàng dưới sự hỗ trợ của công cụ quản trị quan hệ khách hàng (CRM) và sử dụng công cụ gửi email tự động theo kịch bản dựng sẵn.
Dữ liệu khách hàng không đơn thuần là thông tin liên lạc như email, số điện thoại, địa chỉ mà còn là hành vi, sở thích, thói quen mua sắm... Thông tin này phải thu thập trong thời gian dài thông qua chuỗi hoạt động của doanh nghiệp như tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu, hỗ trợ, chốt đơn, chăm sóc sau bán hàng...
Việc chủ động xây dựng website, trang thông tin... giúp khách hàng có điều kiện để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng với đầy đủ những thông tin cần có. Từ đó giúp doanh nghiệp lưu trữ, phân tích và khai thác dữ liệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng định hướng chiến lược trong thời đại đòi hỏi mọi quyết định phải nhanh chóng, linh hoạt.
"Nắm chắc trong tay 4 công cụ kể trên giúp doanh nghiệp 'nắm đằng chuôi' khi kinh doanh online và chủ động trong những chiến dịch, chương trình quảng bá cũng như kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Nguồn: VnExpress