Sự phát triển vũ bão của công nghệ 4.0 ngày nay đã và đang tạo ra nền tảng cho các giải pháp thông minh ứng dụng ngày càng rộng rãi trong doanh nghiệp. Song vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với khái niệm chuyển dịch số, cũng như chưa bắt kịp xu hướng chung của thời đại.
Trên thực tế, các ứng dụng của chuyển dịch số với doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực và gần gũi với hoạt động hàng ngày của một công ty, đặc biệt là các giải pháp tập trung vào lưu giữ và xử lý thông tin khách hàng. Đây được xem là máu trong cơ thể của doanh nghiệp, được coi là tài sản quý nhất với doanh nghiệp trong xã hội số, là cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu bền.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đi theo cách thức xây dựng mô hình bán hàng theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điểm bán và đổ tiền cho quảng cáo, nhưng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, hành vi mua hàng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, họ có những quyết định mua hàng rất khác xưa.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được sự cần thiết của chuyển dịch số, đặc biệt trong việc hiểu và sở hữu data khách hàng, nhưng chưa biết cách tìm kiếm, thu thập, lưu trữ cũng như khai thác một cách hiệu quả nhất. Họ tìm đến các giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng sự khác biệt về văn hóa, thị trường, cách làm, cũng như giá cả quá đắt đỏ, đặc biệt là các hệ thống này đang chạy rời rạc, chưa được tích hợp vào với nhau thành một giải pháp xuyên suốt là nguyên nhân khiến việc chuyển đổi số chưa hiệu quả.
Đi tiên phong trong lĩnh vực Internet, thương mại điện tử và quảng cáo số tại Việt Nam, VCCorp đã có rất nhiều kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho chính nội bộ doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp lớn khác.
Trong phiên thảo luận chiều ngày 9/5 tại "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", ông Nguyễn Thế Tân, CEO Công ty VCCorp sẽ trình bày tham luận về chủ đề này, nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp mô hình chuyển đổi số thành công trong việc phục vụ, tổ chức cung cấp dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…
Theo: Kenh14