IMC là gì? Lợi ích, 5 công cụ truyền thông marketing tích hợp (IMC)

Thủy Nguyễn 23/05/2024

IMC là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực Marketing. Công cụ này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp. Vậy IMC là gì? Hãy cùng Bizfly giải đáp những thắc mắc trong bài viết dưới đây nhé!

IMC là gì?

IMC là viết tắt của Integrated Marketing Communication, có thể hiểu là truyền thông marketing tích hợp. IMC đề cập đến sự phối hợp và gắn bó chặt chẽ của các hoạt động marketing nhằm truyền tải các thông điệp nhất quán, xuyên suốt về sản phẩm, dịch vụ,... đến người tiêu dùng.

IMC là công cụ truyền tải thông điệp tới khách hàng
IMC là công cụ truyền tải thông điệp tới khách hàng

Tại sao IMC lại quan trọng?

Mọi doanh nghiệp đều tận dụng tối đa các kênh truyền thông để giao tiếp với khách hàng của mình. Việc tập trung vào nhiều kênh truyền thông cùng một lúc là điều cần thiết nhưng điều này đòi hỏi một chiến lược cụ thể để tất cả phối hợp với nhau nhằm đạt được mục tiêu chung. 

Đây là lúc IMC phát huy tác dụng. Vậy tại sao IMC lại quan trọng, dưới đây là một số lý do chính:

  • Thứ nhất, IMC là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp để truyền tải thông điệp tới khách hàng một cách nhất quán, dễ hiểu.
  • Thứ hai, IMC giúp xây dựng và tăng độ nhận diện cho thương hiệu, tạo dấu ấn về sản phẩm trong tâm trí khách hàng.
  • Thứ ba, một chiến lược IMC sẽ là nền tảng để định hướng hoạt động của các kênh tiếp thị, mục tiêu của mỗi kênh là gì, cách thức triển khai ra sao, các kênh hỗ trợ nhau như thế nào,...
  • Cuối cùng, để nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, việc áp dụng IMC là hoàn toàn cần thiết.

5 công cụ IMC Marketer cần biết

Quảng cáo (Advertising) 

Quảng cáo là một trong những công cụ truyền thống có trả phí nhằm truyền tải những thông tin về sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, bao gồm nhiều hình thức khác nhau như TVC, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo ngoài trời (OOH), báo in, đài phát thanh,...

Quảng cáo ngoài trời của Coca-cola
Quảng cáo ngoài trời của Coca-cola

Thông qua hình ảnh, âm thanh, hình thức tiếp thị này có khả năng thuyết phục người tiêu dùng nhanh chóng, do đó luôn được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo thường rất lớn, các doanh nghiệp ít vốn cần cân nhắc.

PR (Public Relation) 

PR (Public Relation) hay quan hệ công chúng là một loạt các hoạt động giao tiếp của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tạo lập, duy trì thương hiệu và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Một số hoạt động PR phổ biến có thể kể đến như: Tổ chức họp báo, hội thảo, từ thiện, tài trợ, quan hệ báo chí... 

Bán hàng cá nhân (Personal Selling)

Bán hàng cá nhân (Personal Selling) hiểu đơn giản là hình thức bán hàng dựa trên sự tương tác trực tiếp giữa người bán và khách hàng. Trong quá trình này, để khách hàng có thể đưa ra quyết định mua, người bán cần phải nỗ lực tư vấn và thuyết phục họ. 

Hiện nay, một số hình thức bán hàng cá nhân được sử dụng phổ biến như:

  • Direct selling hay bán hàng trực tiếp: Người bán sẽ trực tiếp gặp khách hàng để thực hiện hoạt động tư vấn.
  • Door selling (Bán hàng tận nhà): Người bán sẽ đến tận nhà khách hàng để tiếp thị và giới thiệu sản phẩm.
  • Online Selling (Bán hàng trực tiếp qua Internet): Người bán thực hiện tư vấn và chăm sóc khách hàng cá nhân thông qua các nền tảng kỹ thuật số. 

Đây là công cụ duy nhất trong 5 công cụ IMC cho phép người bán nắm bắt một cách nhanh chóng phản hồi của khách hàng. Dựa vào đó, họ có thể linh động thay đổi thông điệp truyền tải để phù hợp với tập khách hàng tiềm năng.

Marketing trực tiếp (Direct Marketing) 

Direct Marketing là công cụ giúp truyền tải thông điệp, thông tin đến khách hàng một cách trực tiếp. Các doanh nghiệp thường áp dụng nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng, thu thập phản hồi trực tiếp ngay trong quá trình giao dịch.

Marketing trực tiếp bao gồm một số hoạt động tiêu biểu như: Bán hàng trực tiếp, email marketing (tiếp thị qua email), telesales marketing (tiếp thị qua điện thoại),...

Xem thêm: Direct marketing là gì và các hình thức Marketing trực tiếp

Xúc tiến bán hàng (Sales Promotion)

Đây là những hoạt động nhằm cung cấp thêm giá trị cho nhà phân phối hoặc người tiêu dùng cuối cùng để kích thích hành vi mua, thúc đẩy doanh số bán hàng.

Hiện nay có rất nhiều hình thức xúc tiến bán khác nhau, trong đó hai hình thức phổ biến nhất đó là: Khuyến mại và khuyến mãi. Hai khái niệm này thường gây ra sự nhầm lẫn và bối rối khi sử dụng. 

  • Khuyến mại là hoạt động của người bán nhằm xúc tiến việc mua hàng bằng cách cung cấp cho khách hàng những lợi ích nhất định. Ví dụ như giảm giá hàng bán, tặng quà, mẫu thử, cung cấp voucher giảm giá, thẻ tích điểm,... cho khách hàng.
  • Khuyến mãi là hoạt động cung cấp cho người bán hay các trung gian thương mại những lợi ích nhất định nhằm xúc tiến việc bán hàng. Một số ví dụ về khuyến mãi như thưởng doanh số đại lý, tăng hoa hồng, trợ cấp, quảng cáo hợp tác,...
Chương trình khuyến mại mùa đông của Nike
Chương trình khuyến mại mùa đông của Nike

Quy trình lập kế hoạch chiến dịch IMC hiệu quả

Xác định mục tiêu chiến dịch

Xác định mục tiêu rõ ràng của chiến dịch IMC sẽ giúp định hướng các hoạt động sau đó của doanh nghiệp. Ngoài ra, mục tiêu cụ thể cũng chính là thước đo để đánh giá hiệu quả của chiến dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Để xây dựng một mục tiêu hoàn chỉnh, doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình SMART. Trong đó, mục tiêu cần đáp ứng đủ năm chữ cái S, M, A, R, T là viết tắt của năm từ:

  • Specific (cụ thể)
  • Measurable (đo lường được)
  • Attainable (khả thi)
  • Relevant (thực tế)
  • Time-bound (ràng buộc về thời gian)
Xác định mục tiêu chiến dịch bằng mô hình SMART
Xác định mục tiêu chiến dịch bằng mô hình SMART

Xem thêm: Mô hình SMART là gì? Xác định mục tiêu hiệu quả theo mô hình SMART

Xác định chân dung khách hàng mục tiêu

Sau khi đã trả lời được câu hỏi chiến dịch hướng đến mục tiêu gì, doanh nghiệp cần tiếp tục giải đáp vấn đề tiếp theo đó là chiến dịch hướng tới ai? Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu. 

Một số yếu tố thuộc về khách hàng cần được phân tích và làm rõ như:

  • Nhân khẩu học (Độ tuổi, giới tính, thu nhập, tầng lớp,...)
  • Tâm lý
  • Hành vi
  • Và các yếu tố khác.

Xác định insight khách hàng mục tiêu

Dựa vào những thông tin bao quát về chân dung ở bước trên, doanh nghiệp cần đi sâu vào nghiên cứu customer insight hay sự thật ngầm hiểu về khách hàng. Đây là những thứ ẩn sâu trong tiềm thức mà chính khách hàng cũng không nhận ra, thúc đẩy họ thể hiện thái độ hoặc thực hiện một hành vi nào đó.

Insight khách hàng không phải điều dễ dàng xác định được. Do đó, khi khai thác insight thành công, doanh nghiệp sẽ biết được chiến dịch IMC của mình cần có những gì để tác động mạnh mẽ nhất đến khách hàng.

Insight khách hàng mục tiêu là chìa khóa cho mọi chiến dịch của doanh nghiệp
Insight khách hàng mục tiêu là chìa khóa cho mọi chiến dịch của doanh nghiệp

Xây dựng big idea cho chiến dịch

Big idea sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp. Vậy nên big idea cần đảm bảo các tiêu chí cơ bản như:

  • Có tính khả thi
  • Phù hợp với ngân sách, nguồn lực của doanh nghiệp
  • Bắt nguồn từ insight khách hàng 
  • Thể hiện được vai trò của doanh nghiệp.

Triển khai và thực hiện 

Đây sẽ là bước hiện thực hoá toàn bộ những dữ liệu mà bạn đã xây dựng bên trên. Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, bản kế hoạch thực hiện cần có những thông tin chi tiết như: 

  • Tổng quan mục tiêu
  • Thời gian thực hiện
  • Các đầu việc
  • Ngân sách
  • Nhân sự
  • Quản lý rủi ro

Đánh giá hiệu quả chiến dịch

Sau mỗi chiến dịch IMC, để xác định được hiệu quả của chiến dịch, việc đánh giá và tổng kết là nhiệm vụ không thể thiếu. Mục đích của bước này là giúp doanh nghiệp xác định được những điều mà chiến dịch đã hoặc chưa đạt được, ưu điểm và nhược điểm còn tồn tại,... 

Từ đó, có thể rút ra những điều chỉnh, bài học cho những chiến dịch trong tương lai của doanh nghiệp.

Ví dụ về chiến dịch IMC thành công

Để có cái nhìn rõ hơn về khái niệm IMC, hãy cùng Bizfly phân tích case study sau đây của “ông lớn” Apple: “Get a Mac” (2006 - 2009)

Bối cảnh

Trước khi bắt đầu chiến dịch, Apple dần mất đi chỗ đứng trong lĩnh vực máy tính cá nhân (PC). Điều này đặt ra thách thức lớn buộc nhãn hàng phải có những giải pháp để thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ đem lại giá trị và tốt hơn đối thủ cạnh tranh.

Qua khảo sát, nhận ra người dùng PC có thể gặp phải một số vấn đề với máy tính của mình, Apple nhắm đến tạo sự khác biệt cho Mac bằng cách khắc phục những vấn đề này tốt hơn. 

Tóm lại, Apple muốn khơi gợi trong tâm trí khách hàng hình ảnh máy tính Mac vượt trội hơn PC cho dù có thể gặp phải những vấn đề tương tự.

Triển khai chiến dịch

Mục tiêu

Mục tiêu chính của chiến dịch là tăng thị phần của Apple và độ nhận diện của sản phẩm. Ngoài ra, nhãn hàng cũng hướng đến thay đổi quan niệm PC là lựa chọn hàng đầu và có những giải pháp thay thế hấp dẫn hơn cụ thể là máy tính Mac.

Chiến lược

Apple đã khéo léo gán Mac và PC với hai nhân vật đối lập nhau để truyền tải thông điệp một cách ẩn dụ, tinh tế. Anh chàng Mac mặc một bộ đồ thời thượng với áo phông, quần jeans, trẻ trung, năng động. Ngược lại, PC lại khoác một bộ vest lỗi thời, chậm chạp với vẻ ngoài mập ú.

Hình ảnh đối lập giữa PC và Mac
Hình ảnh đối lập giữa PC và Mac

Triển khai

Chiến dịch này được bắt đầu vào năm 2006 với một TVC quảng cáo. Nội dung chính của đoạn quảng cáo 30 giây này xoay quanh việc miêu tả về 2 anh chàng Mac và PC.

Trong suốt 4 năm sau đó, Apple đã tung ra 66 quảng cáo tương tự, so sánh và nêu bật những điểm mạnh của Mac nhằm nhấn mạnh thông điệp: “PC chỉ dành cho mẹ bạn dùng, còn Mac dành cho thế hệ hiện nay”

Kết quả chiến dịch

  • Chỉ sau vài quảng cáo mở màn, doanh số Apple đã tăng lên với con số ấn tượng 12%.
  • Cuối năm 2006, một năm sau chiến dịch, 1,6 triệu máy tính Mac được bán, góp phần tăng 39 % doanh số của Apple.
  • Trên BrandIndex (thống kê theo dõi nhận thức tiêu dùng), thương hiệu này đạt được điểm số 70/100 trong khi đối thủ cạnh tranh thời điểm này là Microsoft lại phải đối mặt với số điểm âm.
Doanh số Apple tăng đáng kể sau chiến dịch thành công
Doanh số Apple tăng đáng kể sau chiến dịch thành công

Bài viết trên đây của Bizfly đã cung cấp cho bạn cái nhìn rõ nét nhất về khái niệm IMC. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các bạn trong thực tế. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. 

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly