Ngành F&B đã sẵn sàng trở lại sau giấc "ngủ đông" hơn hai tháng?

F&B
18:09 14/09/2021

Tính đến giữa tháng 9/2021, TP.HCM đã đi qua hơn 65 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ. Ngành lưu trú và dịch vụ ăn uống là một trong số những nhóm ngành cảm nhận rõ rệt nhất tác động của đại dịch COVID 19 khi giảm doanh thu đến 57,25% (tháng 8/2021 - theo tính toán của Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM).

Theo báo cáo tháng 9/HSBC, khả năng di chuyển của người dân giảm gần 90%, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán lẻ (giảm 51% so với cùng kì). Đợt giãn cách kéo dài, cộng thêm tình trạng hạn chế dịch vụ ship hàng khiến nhiều chuỗi F&B khó có thể triển khai kênh bán online. 

Đóng cửa mặt bằng, shipper không được phép hoạt động khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải ngậm ngùi dừng hoạt động. Ngành F&B chịu tổn thất nặng nề và tương lai vực dậy không hề dễ dàng, bởi diễn biến khó lường của đại dịch khiến thực khách dè dặt hơn trong chi tiêu, ăn uống, hạn chế đi lại.

Không có doanh thu, ấy vậy mà nhiều cơ sở vẫn phải chi trả các chi phí mặt bằng, điện nước, duy trì hệ thống bảo quản nguyên vật liệu. Nhiều cơ sở kinh doanh oằn mình giữa đại dịch, chỉ còn biết trông chờ vào lệnh mở cửa song song với kế hoạch triển khai tiêm vaccine diện rộng để có thể an tâm mở bán.

Từ 9/9, các cơ sở kinh doanh ăn uống bắt đầu được phép bán mang đi. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng để ngành F&B rục rịch trở lại, tuy nhiên lại vướng nhiều rào cản cho việc tái khởi động an toàn.

Thứ nhất, nhiều chuỗi nhà hàng khó lòng mở cửa lại cùng một lúc bởi chi phí không hề giảm. Nhân viên cũng đã trở về quê hoặc ở các vùng đỏ, vùng cam khó di chuyển.

Thứ hai, việc mở cửa và tuân thủ theo các quy định như đáp ứng 3 tại chỗ (sản xuất - ăn - ngủ nghỉ) hay tổ chức xét nghiệm nhanh cho nhân viên khiến nhiều cửa hàng lo ngại không thể chi trả, trang bị đầy đủ.

Thứ ba, sự khan hiếm nhân lực vận chuyển và siết chặt giao thông liên tỉnh do mỗi địa phương có biện pháp chống dịch khác nhau khiến chuỗi cung ứng và quy trình vận chuyển nguyên vật liệu tăng cao. Chậm trễ trong giao đơn hàng cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phục vụ của nhà hàng.

Theo khảo sát của VnExpress, vẫn chưa có nhiều chuỗi nhà hàng và đồ uống mở cửa trở lại sau ngày 10/9 hoặc mới chỉ rục rịch bán mang về. 

Nhiều chủ kinh doanh đang hy vọng nhận được những hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cũng như tạo điều kiện tự chủ trong kiểm soát hoạt động, tuân thủ 5K nghiêm ngặt.

Trước mắt, kỳ vọng vào chương trình tiêm chủng toàn dân sớm được hoàn thành. Hầu hết các cơ sở đều đã thực hiện tiêm vaccine mũi 1 cho nhân viên.

Về mặt tài chính, nhiều doanh nghiệp đề xuất dừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng sau khi công bố hết dịch, miễn VAT trong năm 2021, giảm 50% VAT trong 2 năm (2022 - 2023), các chính sách thuế được giảm và có các gói hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp trong thời gian phục hồi.

Ngoài ra, để việc kinh doanh thuận lợi, thành phố cần tạo điều kiện để họ đủ nguồn cung nguyên vật liệu (kể cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn...).

Tham khảo thông tin từ VnExpress

COVID-19 tạm lắng nhưng dư âm của nó vẫn khiến ngành F&B chật vật
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích
Đăng ký nhận bản tin ngay