Báo cáo tài chính là gì? Tất tần tật về khái niệm, vai trò, phân loại và cách lập BCTC 2024 [ĐẦY ĐỦ]

Thủy Nguyễn 01/05/2024

Báo cáo tài chính định kỳ là công việc không thể thiếu trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Vậy báo cáo tài chính là gì? Tại sao phải cần đến loại báo cáo này? Cách viết báo cáo tài chính đơn giản mà chính xác? Cùng Bizfly đọc kĩ các nội dung trong bài viết dưới đây để nắm rõ các thông tin liên quan nhé! 

Báo cáo tài chính là gì? 

Báo cáo tài chính (BCTC) (tiếng anh - Financial Reporting) là báo cáo bao gồm những thông tin liên quan đến tài chính của một doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định, được trình bày theo quy chuẩn, quy định kế toán. Từ báo cáo này doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về tài sản, dòng tiền, vốn, nợ, thu chi,...

Báo cáo tài chính là gì
Báo cáo tài chính - định nghĩa? 

Đối tượng sử dụng báo cáo tài chính? 

Đối tượng trong doanh nghiệp: Là chủ doanh nghiệp và người quản lý cần đọc báo báo tài chính để nắm bắt tình hình tài chính của công ty để từ đó đưa ra được các định hướng phát triển phù hợp và tối ưu hóa kinh doanh đem lại nhiều giá trị hơn.

Đối tượng ngoài doanh nghiệp:

  • Nhà đầu tư: sử dụng BCTC để xem xét khả năng tạo ra doanh thu, mức độ an toàn của nguồn vốn đầu tư, khả năng trả lãi, phân chia lợi nhuận nhằm đưa ra quyết định khác. 
  • Nhà cung cấp & người cho vay: Rà soát khả năng thanh toán, sự ổn định tài chính của doanh nghiệp trong thời gian dài hạn để quyết định việc mở rộng quan hệ tín dụng, cho vay hoặc cho trả chậm hàng hóa/ dịch vụ hay không...
  • Các cơ quan chức năng: Kiểm tra các doanh nghiệp có tuân thủ đúng quy định pháp luật hay không đồng thời giám sát hoạt động của doanh nghiệp, xác định số thuế mà doanh nghiệp cần nộp
  • Kiểm toán viên: Kiểm tra về sự trung thực, hợp lý của thông tin trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

 

Đối tượng sử dụng báo cáo tài chính là ai?
Đối tượng sử dụng báo cáo tài chính là ai?

Phân loại báo cáo tài chính thông dụng

Phân loại báo cáo tài chính theo nội dung phản ánh gồm:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất: Thống kê tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm cả công ty mẹ và các công ty con trong hệ sinh thái và các công ty liên kết).  
  • Báo cáo tài chính riêng lẻ: Tổng hợp tình hình tài chính và kinh doanh của một doanh nghiệp nhất định.

Phân loại dựa theo thời điểm lập báo cáo gồm:

  • Báo cáo tài chính thường niên: Được thiết lập theo lịch dương hoặc kỳ kế toán hằng năm, đảm bảo đủ 12 tháng kể từ sau khi có thông báo từ cơ quan thuế. 
  • Báo cáo tài chính giữa niên độ: Gồm báo cáo cho 4 quý trong năm cũng như báo cáo tài chính bán niên. Loại báo cáo này được thể hiện dưới dạng tóm lược nhưng vẫn đảm bảo thông tin đầy đủ. 
Phân loại báo cáo tài chính
Phân loại báo cáo tài chính thông dụng

Mục đích - Vai trò của báo cáo tài chính

Mục đích của báo cáo tài chính

  • BCTC phản ánh về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
  • BCTC cho biết tài sản, khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập cùng các chi phí kinh doanh khác; lãi - lỗ; thuế & các khoản phí phải nộp cho nhà nước; các tài sản khác có liên quan; …

Ngoài ra, trong BCTC , doanh nghiệp sẽ phải giải trình về các chỉ tiêu đã phản ánh trong BCTC tổng hợp, chính sách áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh.

Vai trò của báo cáo tài chính 

  • Làm cơ sở để nhà quản lý đưa ra các  quyết định quan trọng: Việc đọc BCTC giúp các nhà quản lý xác định các rào cản tiềm ẩn và chủ động theo dõi hiệu suất tài chính của doanh nghiệp trong thời gian cụ thể để đưa ra các quyết định kinh tế nhanh chóng và đúng đắn, kịp thời.
  • Quản lý nợ: BCTC cung cấp cho nhà quản lý cái nhìn sâu sắc về tài sản và nợ hiện tại của doanh nghiệp để quản lý hiệu quả khoản nợ tồn đọng trong tương lai.
  • Thể hiện nghĩa vụ tôn trọng pháp luật: Việc lập BCTC sẽ khẳng định rằng công ty luôn tuân thủ luật pháp và các quy định do cơ quan chính phủ yêu cầu.
  • Công khai, minh bạch tài chính: BCTC là công cụ thể hiện tính toàn vẹn của doanh nghiệp về tài chính để tạo niềm tin với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.
Vai trò của báo cáo tài chính
Vai trò của báo cáo tài chính 

Báo cáo tài chính gồm những gì?

Một báo cáo tài chính chỉn chu sẽ bao gồm các phần sau đây:

Bảng cân đối kế toán 

Bảng cân đối kế toán sẽ thể hiện các thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu,  khoản đầu tư, khoản phải thu, lợi nhuận chưa phân phối cùng các quỹ tại một thời điểm nhất định như cuối tháng, cuối quý, cuối năm.

Bảng báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh 

Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ thể hiện tất cả các khoản liên quan đến hiệu quả bán hàng như: doanh thu, chi phí, thuế và lợi nhuận. Cụ thể:

  • Doanh thu thuần/doanh thu từ việc kinh doanh bán hàng - cung cấp dịch vụ
  • Lợi nhuận gộp/lợi nhuận từ kinh doanh bán hàng - cung cấp dịch vụ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy hoạt động ra – vào dòng tiền của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể với các mục đích: Kinh doanh, đầu tư và tài chính. Báo cáo này sẽ phản ánh tình trạng “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp.

Bản thuyết minh báo cáo tài chính

Bản thuyết minh báo cáo tài chính sẽ giúp cơ quan thuế nắm rõ chi tiết các nội dung thể hiện trong BCTC, nắm được tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời giúp người quản lý nắm bắt được tình trạng sản xuất – kinh doanh để đưa ra định hướng phù hợp. 

Báo cáo tài chính gồm những gì
Báo cáo tài chính gồm những gì?

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính

  • Bước 1: Sắp xếp các chứng từ kế toán liên quan

Việc sắp xếp các chứng từ liên quan cần thực hiện tỉ mỉ và đảm bảo đúng trình tự để tạo sự thuận tiện cho việc kê khai, kiểm tra báo cáo.

  • Bước 2: Kiểm tra & Hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các chứng từ, bộ phận kế toán phải rà soát kỹ các chứng từ đã sắp xếp trước đó. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bao gồm phiếu thu, phiếu xuất kho, phiếu nợ,...

  • Bước 3: Phân loại theo tháng/quý  đối với các nghiệp vụ phát sinh 

Việc phân loại các nghiệp vụ phát sinh phải được tiến hành rõ ràng, chuẩn xác, bao gồm các chi phí trả trước, chi phí khấu hao,...

  • Bước 4: Rà soát nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản

Các nhóm tài khoản có thể rà soát bao gồm nhóm hàng tồn kho, tài sản cố định, doanh thu, giá vốn,các khoản đầu tư, nhóm công nợ phải trả và phải thu, ..

  • Bước 5: Bút toán tổng hợp - kết chuyển doanh thu

Bút toán kết chuyển doanh thu,kết chuyển lỗ lãi nhằm đảm bảo chuẩn xác và không có số dư cuối kỳ.

  • Bước 6: Tiến hành lập báo cáo tài chính

Kế toán viên sẽ tiến hành thiết lập BCTC theo quy định trên phần mềm HTKK để hoàn tất kê khai. Hoàn thành 6 bước trên, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Các bước lập báo cáo tài chính
Hướng dẫn lập báo cáo tài chính theo 6 bước đơn giản

Nguyên tắc trong khi lập báo cáo tài chính 

  • Cơ sở dồn tích: BCTC cần phải thể hiện được tài sản, nợ, các khoản thu nhập và chi phí được ghi nhận trong quá trình phát sinh ở các niên độ kế toán có liên quan.
  • Đánh giá theo chuỗi hoạt động liên tục: Doanh nghiệp phải đánh giá được khả năng kinh doanh liên tục của mình. Trường hợp có dấu hiệu phá sản hoặc có những nhân tố gây ảnh hưởng lớn tới khả năng kinh doanh nhưng vẫn áp dụng các nguyên tắc liên tục thì phải diễn giải một cách cụ thể.
  • Đảm bảo tính thống nhất quán: BCTC phải được trình bày, phân loại một cách nhất quán giữa các niên độ, nhằm thống nhất và có thể so sánh được các thông tin. 
  • Nguyên tắc bù trừ: Báo cáo tài chính không được bù trừ giữa tài sản và các khoản công nợ, giữa thu nhập với chi phí. Nếu có sự bù trừ giữa các khoản này thì phải dựa trên tính trọng yếu và diễn giải cụ thể trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Q&A: báo cáo tài chính

Q&A: báo cáo tài chính
Q&A: báo cáo tài chính

Nộp báo cáo tài chính ở đâu

BCTC được nộp tại các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước như cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư,… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nộp  BCTC cho các bên liên quan như cổ đông, ngân hàng, đối tác kinh doanh,…

Thời hạn nộp báo cáo tài chính

  • Thời hạn chậm nhất để nộp BCTC là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
  • Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối của doanh nghiệp chia tách, hợp nhất, sáp nhập,… chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày ký quyết định về việc doanh nghiệp chia tách, sáp nhập….

Khi nộp chậm hoặc lập sai báo cáo tài chính mức phạt là bao nhiêu?

* Vi phạm về tài khoản kế toán

Phạt hành chính  từ 5-10 triệu đồng với các trường hợp vi phạm như:

  • Hạch toán sai lệch nội dung
  • Sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán hoặc mở thêm tài khoản kế toán mà chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
  • Không thực hiện đúng các thao tác trên hệ thống tài khoản kế toán đã được ban hành.

Trong 2 trường hợp vi phạm đầu tiên, mức phạt chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp vi phạm tập thể thì sẽ bị phạt tiền gấp đôi.

* Vi phạm về lập và trình bày 

Mức phạt tiền cho việc vi phạm về lập và trình bày BCTC sẽ dao động từ khoảng 5 - 40 triệu tùy theo từng trường hợp cụ thể. 

Trên đây là tổng hợp các thông tin về định nghĩa báo cáo tài chính là gì đi kèm với cách hướng dẫn viết báo cáo tài chính và nguyên tắc khi lập. Dựa vào những kiến thức trên đây chắc chắn bạn sẽ nắm rõ và thực hiện hiệu quả việc báo cáo cho doanh nghiệp của mình!

Chia sẻ bài viết

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly

Nhận ngay tin tức mới nhất từ Bizfly